Giá xăng dầu hôm nay (24-1-2025): Giảm nhẹ trước kỳ nghỉ Tết

Giá xăng dầu hôm nay 24/1/2025, trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước vừa được điều chỉnh, với xăng giảm nhẹ còn dầu lại ghi nhận mức tăng.

Giá xăng dầu trong nước hôm nay 24/1/2025

Cập nhật giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 24-1 như sau:

  • Xăng E5 RON 92: Tối đa 20.592 đồng/lít.
  • Xăng RON 95-III: Tối đa 21.142 đồng/lít.
  • Dầu diesel: Tối đa 20.194 đồng/lít.
  • Dầu hỏa: Tối đa 20.110 đồng/lít.
  • Dầu mazut: Tối đa 17.752 đồng/kg.

Những mức giá trên được liên Bộ Tài chính - Công Thương công bố sau kỳ điều hành giá vào chiều 23-1. Đáng chú ý, trong khi giá dầu kết thúc chuỗi ba phiên tăng liên tiếp, giá xăng tiếp tục kéo dài Xu hướng giảm. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 158 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 78 đồng/lít. Ngược lại, giá dầu diesel tăng 412 đồng/lít, dầu hỏa tăng 404 đồng/lít, và dầu mazut tăng 571 đồng/kg.

Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ vẫn duy trì chính sách không trích lập và không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng, bao gồm xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut.

Việc điều chỉnh giá này phản ánh sát xu hướng biến động của giá xăng dầu thế giới và được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ổn định thị trường trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên đán.

gia-xang-dau-hom-nay-24-1-2025-giam-nhe-truoc-ky-nghi-tet1-1737687416.jpeg
Giá xăng dầu hôm nay (24-1-2025): Giảm nhẹ trước kỳ nghỉ Tết (Ảnh: Sưu tầm)

Giá dầu thế giới hôm nay 25/1/2025

Ngày 23-1, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Saudi Arabia và OPEC giảm giá dầu, đồng thời thúc giục các nước trên thế giới hạ lãi suất. Sau bài phát biểu này, thị trường dầu mỏ ngay lập tức chìm trong sắc đỏ, khiến giá dầu tiếp tục xu hướng “hạ nhiệt”.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 71 cent (0,9%), xuống còn 78,29 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 82 cent (1,09%), chạm mức 74,62 USD/thùng. Nguyên nhân chính khiến giá dầu “lao dốc” là do sự bất ổn liên quan đến tác động của các chính sách năng lượng và thuế quan mà ông Trump đề xuất lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo Clay Seigle, chuyên gia cấp cao về an ninh năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, lời kêu gọi giảm giá dầu từ ông Trump được người tiêu dùng và doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhưng ngành dầu mỏ Mỹ và các nhà cung cấp toàn cầu lại thận trọng. Việc hạ giá dầu có thể làm giảm tính khả thi của các dự án dầu khí mới, trong bối cảnh ngành năng lượng đang kêu gọi tăng đầu tư.

Thêm vào đó, báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng ảnh hưởng đến giá dầu. Dữ liệu cho thấy tồn kho dầu giảm 1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17-1, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2022. Tuy nhiên, mức giảm này thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích. Trong khi đó, tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 3,1 triệu thùng, nhưng tồn kho xăng lại tăng thêm 2,3 triệu thùng.

Priyanka Sachdeva, chuyên gia tại công ty môi giới Phillip Nova, nhận định: “Các tác động kinh tế rộng hơn từ các chính sách thuế quan của Mỹ có thể tiếp tục làm suy giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.”

Bên cạnh đó, ông Trump còn tuyên bố sẽ áp thuế mới và lệnh trừng phạt lên Nga nếu nước này không đạt được thỏa thuận hòa bình tại Ukraine. Ông cũng đe dọa đánh thuế Liên minh châu Âu, áp mức thuế 25% với Canada và Mexico, đồng thời thảo luận về thuế trừng phạt 10% đối với Trung Quốc do vấn đề fentanyl.

Vào ngày 20-1, ông Trump đã công bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia, nhằm cắt giảm các hạn chế về môi trường và đẩy nhanh việc cấp phép cho các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng.

Kelvin Wong, nhà phân tích cấp cao tại OANDA, cho biết thị trường dầu mỏ sẽ còn đối mặt với nhiều biến động tiêu cực trong thời gian tới, do sự thiếu minh bạch trong các chính sách thương mại của chính quyền Trump, cùng với việc nguồn cung dầu thô từ Mỹ dự kiến tăng cao.