Hãng gọi xe Công nghệ Grab mới đây tuyên bố bổ sung hơn 1.000 xe điện vào đội xe tại Indonesia vào cuối năm nay nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh. Phần lớn xe điện được BYD, nhà sản xuất ôtô điện từ Trung Quốc, cung cấp.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp các giải pháp di chuyển thân thiện với môi trường cho người dùng và đẩy nhanh quá trình phát triển hệ sinh thái xe điện tại quốc gia này", Neneng Goenadi, Giám đốc điều hành Grab Indonesia cho biết.
Bàn đạp của BYD tại Indonesia
Những chiếc xe điện mới này sẽ được bổ sung vào đội xe gồm hơn 10.000 xe điện 2 bánh và 4 bánh của Grab tại Indonesia.
Theo Nikkei Asian Review, các dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á đang chuyển hướng sang các loại phương tiện di chuyển sạch hơn.
Bản thân Grab đã cam kết chuyển sang các loại xe phát thải thấp để đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2040. Đối thủ của Grab là Gojek cũng có kế hoạch thay thế tất cả các loại xe 2 bánh bằng xe điện vào năm 2030.
Gojek đã thành lập liên doanh Electrum để sản xuất xe máy điện. Việc xây dựng một nhà máy ở phía Tây Java để sản xuất xe máy đã bắt đầu vào năm ngoái.
Grab có kế hoạch giới thiệu mẫu xe điện M6 của BYD cho dịch vụ gọi xe tại Indonesia. Ảnh: Grab. |
Grab chưa cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận với BYD, nhưng thông báo mới nhất cũng phản ánh sự mở rộng mạnh mẽ của nhà sản xuất ôtô Trung Quốc tại Indonesia vốn là thị trường ôtô lớn nhất Đông Nam Á.
Cho đến nay, Indonesia vẫn là một thành trì của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản khi chiếm hơn 90% thị phần tại quốc gia này.
Tuy nhiên, BYD và các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc khác đang nhanh chóng chen chân. Hồi đầu năm, BYD đã tung ra 3 mẫu xe như Seal, Atto 3 và Dolphin nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường chở khách.
Hay tháng 7 vừa qua, BYD cũng tung ra xe điện đa dụng M6 được thiết kế cho thị trường Indonesia. Hãng khẳng định mẫu xe này có thể chở nhiều hành khách hơn, phù hợp với lối sống của người Indonesia.
Khi nào đến lượt Việt Nam?
Tại Việt Nam, trong một cuộc trao đổi với Tri Thức - Znews vào đầu năm 2023, ông Alejandro Osorio, CEO Grab Việt Nam, tiết lộ đã hợp tác với một công ty khởi nghiệp trong nước để sử dụng xe điện cho dịch vụ GrabExpress từ cuối năm 2022.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo thừa nhận thị trường xe điện Việt Nam vẫn còn khá mới. Do đó, hãng mong đợi cơ sở hạ tầng và trạm sạc sẽ được phát triển hơn cũng như có thêm nhiều lựa chọn xe điện ở mức giá phải chăng.
"Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đã và đang triển khai thí điểm để có thể hiểu rõ hơn về xe điện, hiểu được những thuận lợi, khó khăn mà các đối tác tài xế gặp phải khi chạy các dòng xe điện hiện có trên thị trường. Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn đầu của thử nghiệm nhưng chúng tôi có kế hoạch xây dựng chiến lược dài hạn cho xe điện", ông Alejandro Osorio chia sẻ khi đó.
Grab thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng xe điện từ cuối năm 2022. Ảnh: Selex Motors. |
Không riêng gì Grab, nhiều hãng gọi xe hay thậm chí taxi truyền thống tại Việt Nam cũng đang chạy đua chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh.
Điển hình như Gojek vào giữa năm 2023 cũng hợp tác với startup Dat Bike thử nghiệm dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe máy điện. Trước khi phải rời khỏi Việt Nam, ứng dụng gọi đồ ăn Baemin cũng từng thử nghiệm xe máy điện giao hàng của startup Selex Motors.
Ở nhóm taxi, Mai Linh đặt mục tiêu năm nay đầu tư 2.224 xe mới trong dự án 9.999 xe, trong đó đầu tư mới 1.000 xe hybrid cho các thị trường lớn như TP.HCM và Hà Nội.
Hồi tháng 6, Vinasun đã nhận bàn giao 806 xe hybrid từ Toyota. Ngoài ra, ông lớn taxi phía Nam cũng ký kết dự án hợp tác chiến lược cho kế hoạch đầu tư 2.000 xe Toyota hybrid trong năm 2025.
Song, đáng kể nhất là sự ra đời của hãng taxi thuần điện Xanh SM (CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh - GSM) do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng hậu thuẫn vào đầu tháng 3/2023. Nhờ tự chủ nguồn cung phương tiện, Xanh SM đã sở hữu đội xe gồm 17.000 ôtô, 15.000 xe máy điện VinFast cùng gần 40.000 trong chưa đầy một năm.
So với những đối thủ như Grab (200.000 tài xế), Be (300.000 tài xế) và Gojek (200.000 tài xế), tương quan lực lượng của Xanh SM còn khá "mỏng". Tuy nhiên, nếu so sánh với những thương hiệu taxi truyền thống vận hành đội xe tự doanh như Vinasun (3.140 xe) hay Mai Linh (11.000 xe), hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại tỏ ra áp đảo.
Đâu là đối tác phù hợp cho Grab?
Grab chưa công bố cụ thể chiến lược chuyển đổi xe điện tại Việt Nam, cũng chưa "đánh tiếng" về nhà cung cấp phương tiện tiềm năng trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với dịch vụ xe 4 bánh, ứng dụng này sẽ không có quá nhiều lựa chọn.
Thực tế, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, trong đó có BYD, đã bắt đầu tiến dần thị trường Việt Nam trong một năm trở lại đây. Một số doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển nội địa cũng tận dụng cơ hội này để hợp tác với những nhà sản xuất như Wuling.
Tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam lẫn quốc tế đều đánh giá thị trường Việt Nam sẽ là thử thách rõ rệt cho những "tay chơi" nước ngoài.
Thứ nhất, Việt Nam có VinFast, nhà sản xuất xe điện đang thống lĩnh gần như tuyệt đối thị trường. Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn tâm lý thiếu thiện cảm với các sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Việc sở hữu số lượng trạm sạc lớn nhất Việt Nam giúp VinFast có lợi thế lớn. Ảnh: VinFast. |
Bên cạnh vấn đề tâm lý, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc tại Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết VinFast hiện là đơn vị duy nhất phát triển hạ tầng trạm sạc điện trong nước.
Theo công bố của VinFast, hãng đang có gần 150.000 cổng sạc xe điện bao phủ trên 63 tỉnh, thành phố. Với việc dịch vụ sạc mới chỉ áp dụng cho xe VinFast, các thương hiệu khác chỉ có thể sạc pin tại nhà hoặc thông qua số lượng trụ sạc ít ỏi của showroom và bên thứ 3.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cũng từng chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng số lượng cổng sạc hiện nay chưa chắc đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng và đội xe hơn 5.600 chiếc của Xanh SM, chưa kể đến mỗi chiếc xe điện cần dành 5-6 tiếng tại trạm sạc mới có thể đầy năng lượng.
Đây cũng là một lý do khiến các hãng taxi tại Việt Nam chưa mặn mà với xe điện mà chuyển hướng sang xe hybrid.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thị phần xe điện trong nước giai đoạn 2022-2023 đã tăng gấp đôi lên 10%. Với VinFast, số liệu gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ hé lộ hãng đã giao tổng cộng 32.855 xe vào năm ngoái.
Trong khi đó, số liệu từ hải quan cho biết chỉ có 1.987 ôtô Trung Quốc trong số 6.955 chiếc lắp ráp hoàn chỉnh nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1. Số lượng xe điện cụ thể nằm trong báo cáo này thậm chí chưa được xác định.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những Xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.