Hành trình vượt cạn đẫm nước mắt của người mẹ ung thư vú giai đoạn cuối

Admin
Phát hiện mắc ung thư vú khi đang mang thai được 4 tháng nhưng chị Liên vẫn quyết giữ lại cái thai trong bụng. Người mẹ xấu số vượt qua một hành trình dài chống chọi với bệnh tật để bảo vệ đứa con.
6 tháng chống chọi với ung thư vú di căn
 
Chị Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam khi đang mang thai 8 tuần thì bắt đầu phát hiện những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú. Tuy nhiên chỉ lại chủ quan cho rằng đó chỉ là dấu viêm tuyến sữa của người đang mang thai nên đã không đi khám.
 
Tới khi mang thai được gần 4 tháng, chị bắt đầu ho nhiều hơn, cơ thể mệt mỏi, tức ngực nhiều hơn, hạch xuất hiện ở vai, 2 chân phù, đau nhức. Tới lúc này chị mới tới khám tại bệnh viện K thì "chết lặng người" khi bác sĩ thông báo chị mắc ung thư vú giai đoạn cuối, đã di căn nhiều nơi.

Chị Liên phát hiện mức ung thư vú di căn khi mang thai được 4 tháng

Nhận được sự tư vấn của đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa ung bướu về việc nếu giữ lại cái thai sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, dù vậy vợ chồng chị Liên vẫn kiên quyết không bỏ đứa con. Kể từ đây hành trình bảo vệ đứa con trong bụng của người mẹ ung thư giàu nghị lực bắt đầu.
 
Tháng 3/2019, thời điểm chị Liên đang mang thai được 22 tuần thì phải nhập viện điều trị 2 đợt hoá chất. Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu và sản khoa luôn phải theo dõi sát sao trường hợp của chị.
 
Sau thời gian hóa trị khoảng 6 tuần, bệnh tình của chị Liên dần chuyển biến xấu hơn. Sản phụ thấy khó thở do khối u di căn phổi, tràn dịch màng phổi tiến triển. Các bác sĩ buộc phải chuyển chị vào khoa Hồi sức cấp cứu, thở oxy, hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt, tiêm truyền.
 
Đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa ung bướu và khoa sản luôn phải cân nhắc rất kỹ sử dụng loại thuốc nào để không làm ảnh hưởng tới thai nhi trong bụng chị Liên.
 
Dù đã được chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu và cho thở oxy nhưng tình trạng của chị Liên ngày càng khó thở, xuất hiện hạch dày đặc. Kể từ tháng đầu tháng 3/2019 tới nay, sản phụ không thể hô hấp khi nằm nên buộc phải ngồi suốt 24/24. Mỗi ngày chị Liên chỉ có thể ngủ được 2 tiếng bởi những cơn đau đã lan vào xương, phổi.
 
Ngồi mổ sinh con mà chỉ gây tê
 
Ngày 21/5, nhận thấy sức khỏe của chị Liên ngày càng yếu đi có thể đe dọa tính mạng của cả mẹ và con nên các bác sĩ các bác sĩ BV K đã phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành của BV Phụ sản TƯ đưa ra quyết định mổ lấy thai. Lúc này thai nhi trong bụng chị Liên đã được 31 tuần tuổi.
 
Trước giờ lên bàn mổ, người mẹ vẫn dùng cái giọng thều thào yếu ớt nhắn nhủ tới các y bác sĩ. Chị Liên gắng gượng nói: “Em chỉ mong ca mổ diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh. Em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mong cho con một đời bình an!”.
 
15h30 chiều 22/5, ca mổ bắt con bắt đầu với sự tham gia của gần 20 bác sĩ, chia thành 2 ekip gồm kíp mổ đẻ và sơ sinh từ BV Phụ sản TƯ và kíp bác sĩ bác sĩ BV K. BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV K cho biết, do thai phụ khó thở, bác sĩ buộc phải để bệnh nhân ngồi nghiêng khi mổ.


Người mẹ phải ngồi mổ và không được gây mê
 
Các bác sĩ nhận định đây là tư thế rất khó để thực hiện sinh mổ, bệnh nhân lại yếu nên đòi hỏi từng thao tác mổ phải nhanh, chính xác. Mặt khác, các bác sĩ không thể gây mê khi mổ cho bệnh nhân vì lo sợ chị Liên có thể không tỉnh lại được.
 
Từng cá nhân trong đội ngũ hơn 20 y bác sĩ tham gia ca phẫu thuật đều ý thức được sự căng thẳng của ca mổ này. Không thể loại trừ khả năng sẽ mất cả hai mẹ con chị Liên.
 
Tới 16h10, bé trai nặng 1,5kg chào đời khỏe mạnh. Cậu con trai Đỗ Bình An cất tiếng khóc trong sự niềm vui vỡ òa của người mẹ và toàn bộ đội ngũ tham gia kíp mổ.
 
Ngay sau khi chào đời, bé được các bác sĩ chuyên ngành sơ sinh cấp cứu, đưa vào lồng ấp và chuyển sang BV Phụ sản TƯ chăm sóc đặc biệt tại Trung tâm sơ sinh. Ekip còn lại tiếp tục hoàn thành ca mổ.
 
Sau mổ, sản phụ hiện đã tỉnh, tuy nhiên rất khó tiên lượng do ung thư đã ở giai đoạn muộn, thể trạng yếu. BV sẽ phối hợp với các chuyên khoa để tìm ra phương án tối ưu cho bệnh nhân.
 
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Phụ sản TƯ là người trực tiếp mổ lấy thai chia sẻ, khi chào đời cho biết đây là lần đầu tiên ông thực hiện ca mổ đẻ cho sản phụ với tư thế sản phụ nửa nằm nửa ngồi, và chỉ gây tê. Nhưng ca mổ suôn sẻ, mẹ được cầm máu tốt. Theo bác sĩ Cường, trước mắt ca mổ thành công, mẹ tròn con vuông. Phức tạp nhất hiện tại là hồi sức cho người mẹ.
 
Tháng 7/2016, câu chuyện của thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm từ chối điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối để sinh con cũng làm lay động hàng triệu con tim.
 
Chị Trâm hạ sinh một bé trai khỏe mạnh đặt tên là Trần Gấu. Việc được sinh con thành công và nhìn thấy con là niềm hạnh phúc cuối cùng của chị Trâm. 2 tuần sau khi con chào đời, chị Trâm đã qua đời.


Hà Ly (Th)