Hiện tượng thiên văn hiếm gặp trong ngày 28/3: Mặt trăng cùng 5 hành tinh xếp thẳng hàng 'diễu hành' trên bầu trời

Vũ Hạnh
Ngay sau khi Mặt Trời lặn vào ngày 28/3, người yêu bầu trời ở Bắc và Nam Bán cầu có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn hiếm có này.

Những ngày qua, người yêu thiên văn đã được chứng kiến nhiều hiện tượng thiên văn hết sức tuyệt đẹp bằng mắt thường như Mặt Trăng và Sao Kim giao hội... Thế nhưng đó chưa phải là hiện tượng thú vị nhất. Theo đó, vào ngày 28/3, một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm 2023 sẽ diễn ra: 5 hành tinh gồm Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thiên Vương xuất hiện cùng lúc trên bầu trời.

5 hành tinh nói trên cùng với Mặt Trăng sẽ xếp thẳng hàng và tỏa sáng trên bầu trời, tạo nên hiện tượng thiên văn hiếm có - Cameron Hummels - Nhà vật lý thiên văn tại Học viện Công nghệ California (Mỹ) cho biết trên CNN. Theo Hummels, hiện tượng như trên có thể xuất hiện vài năm một lần hoặc lâu hơn và có thể quan sát được bằng mắt thường.

5 hành tinh sẽ xuất hiện thẳng hàng trên bầu trời vào ngày 28/3 (Ảnh: Space).5 hành tinh sẽ xuất hiện thẳng hàng trên bầu trời vào ngày 28/3 (Ảnh: Space).

Theo trang Space, 2 hành tinh đầu tiên xuất hiện trên đường thẳng là sao Thủy (Mercury) và sao Mộc (Jupiter). Nhưng do cả 2 đều sẽ nằm khuất dưới đường chân trời từ 25 - 30 phút sau khi Mặt Trời lặn nên việc quan sát chúng sẽ khá khó khăn.

Tiếp đến và cũng là hành tinh dễ thấy nhất: Sao Kim (Venus). Thường được mệnh danh là “ngôi sao buổi tối” vì đây là vật thể sáng nhất trên bầu trời đêm bên cạnh Mặt Trăng. Chính vì vậy, việc quan sát hành tinh này khá dễ dàng.

Sao Thiên Vương (Uranus) sẽ xuất hiện gần sao Kim, tuy nhiên cũng như sao Thủy và sao Mộc, việc chiêm ngưỡng hành tinh này có thể gặp nhiều khó khăn nếu không có ống nhòm hoặc kính viễn vọng vì hành tinh này hầu như không thể nhìn thấy bằng mắt thường, ngay cả vào những đêm trời trong.

Mặt Trăng (The Moon) cũng sẽ tham gia "show diễn" và giúp xác định vị trí của những hành tinh còn lại trên bầu trời đêm. Ở đầu hàng sẽ là sao Hỏa (Mars), vì mang màu cam đặc trưng nên nó có thể dễ dàng được nhận ra.

Hiện tượng hành tinh xếp thẳng hàng (minh họa). Ảnh:SHUTTERSTOCK

Hiện tượng hành tinh xếp thẳng hàng (minh họa). Ảnh:SHUTTERSTOCK

Nhà thiên văn học Hummels cho biết thêm, tất cả các hành tinh sẽ xuất hiện"giống như những viên ngọc trai trên một chiếc vòng cổ", tô điểm cho bầu trời đêm thêm rực rỡ.

Cuộc "diễu hành" quy mô này đã diễn ra từ ngày 25/3 và có thể kéo dài đến hết ngày 31/3 tuy nhiên tối 28/3, khoảng 20 - 30 phút sau khi hoàng hôn được cho là thời điểm nhìn thấy rõ ràng nhất bằng mắt thường.

Tại Việt Nam, theo dự báo từ cơ quan khí tượng, các tỉnh miền Bắc những ngày qua đang chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường yếu, trời nhiều mây, có mưa rào rải rác có dông. Với tình trạng thời tiết như vậy khiến việc chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn này gặp khá nhiều khó khăn.

Trong khi đó, khu vực Nam Bộ được dự báo đêm không mưa có thể thuận lợi chiêm ngưỡng hiện tượng này. Bầu trời ít mây, cũng như không chịu ảnh hưởng của chu kỳ trăng sẽ khiến cho các hành tinh này rực rỡ hơn bao giờ hết.

Hãy chuẩn bị một không gian thật tốt để quan sát cũng đừng quên chụp lại sự hội ngộ hiếm có của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời này nhé.

Mặt Trăng và sao Kim giao hội tối 25/3 vừa qua.

Mặt Trăng và sao Kim giao hội tối 25/3 vừa qua.

Sự thẳng hàng của các hành tinh như thế này có thể xuất hiện vài năm một lần, nhưng có thể bắt gặp tất cả các hành tinh cùng nhau trong một mảng bầu trời thì những lần xuất hiện đó hiếm hơn. Ngoài ra, các hành tinh quay quanh Mặt Trời với tốc độ khác nhau, do vậy hiện tượng 5 hành tinh thẳng hàng là hiện tượng kỳ thú rất hiếm khi xảy ra.

Trước đó, vào tháng 6/2022, thế giới cũng chứng kiến hiện tượng thiên văn hiếm có này sau 18 năm. Vào thời điểm đó, Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ cùng lúc xuất hiện trên bầu trời.

Ngoài ra, trong tháng 4, người yêu bầu trời có thể tiếp tục chứng kiến thêm nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú và tuyệt đẹp khác.

Nhật thực một phần (ngày 20/4)

Hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ diễn ra vào sáng và trưa ngày 20/4 theo múi giờ của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có người quan sát ở các tỉnh/thành phố thuộc khu vực phía Nam có thể theo dõi được một giai đoạn dưới dạng nhật thực một phần (không nhìn thấy được nhật thực toàn phần). Các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ không thể quan sát hiện tượng này.

Mưa sao băng Lyrids (ngày 22 - 23/4)

Mưa sao băng loại trung bình này được gây ra bởi các mảnh vụn của sao chổi C/1861 G1 Thatcher. Thông thường, nó có thể cho phép bạn quan sát được trên 20 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Mặt Trăng sẽ không gây cản trở cho lần quan sát này của bạn nên nếu thời tiết đủ lý tưởng thì đây sẽ là dịp tuyệt vời để quan sát hiện tượng này

Theo báo Tổ Quốc