Đến bây giờ anh T.Đ.T. (44 tuổi, Hà Nam) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút mình bị các lưỡi dao của máy nghiền bột cắt đứt phăng cẳng tay bên trái.
"Kinh tế vợ chồng tôi trông vào nghề làm bún, vốn chẳng khá giả gì, lại đang giữa mùa dịch bệnh Covid-19, khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khi tai nạn bất ngờ xảy đến khiến tôi và gia đình không khỏi lo lắng", anh T. nói.
Ngay sau đó, anh T. được gia đình cầm máu tạm thời và đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam sơ cứu cầm máu, giảm đau và bảo quản lại phần tay đứt rời, rồi anh được chuyển ngay lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Sau khi được thăm khám, hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ chuyên khoa Tạo hình Thẩm mỹ phối hợp cùng với các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình đã tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu nối lại cẳng tay đứt rời cho người bệnh.
Năm ngày sau mổ, sáng ngày 20/4, cẳng tay đứt rời đã thực sự được “hồi sinh” trên cánh tay tưởng như tàn phế của anh T.Đ.T. Bàn tay đã bắt đầu có cử động và cảm giác, cùng với đó là niềm vui hiện lên trong ánh mắt của anh T và gia đình.
Hiện tại người bệnh vẫn được tiếp tục theo dõi và chăm sóc đặc biệt tại khoa, trong thời gian tới người bệnh còn phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng để có thể vận động lại được gần như xưa.
BS Tô Tuấn Linh, Khoa phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, người trực tiếp tham gia ca mổ cho biết cũng giống như 3 trường hợp còn lại đây là một ca mổ rất khó khăn, do tổn thương bị cắt bằng các lưỡi dao của máy nghiền bột, tổn thương ở vị trí cao 1/3 trên cẳng tay, các thành phần tổ chức và mạch máu thần kinh bị dập nát nhiều, lại có nhiều dị vật dính vào, nên trong quá trình phẫu thuật vừa phải đảm bảo làm sạch dị vật và tổ chức dập nát nhưng lại không được cắt bỏ quá nhiều để vẫn đảm bảo chức năng của bàn tay sau mổ.
Ngoài ra việc nối ghép lại mạch máu và thần kinh cho bệnh nhân là kĩ thuật rất khó, phải thực hiện hoàn toàn dưới kính hiển vi với các dụng cụ và kim chỉ rất nhỏ. Thêm vào nữa việc phẫu thuật phải được sự phối hợp nhuần nhuyễn của các chuyên khoa Phẫu thuật và gây mê hồi sức để có thể rút ngắn thời gian mổ, đảm bảo tái tưới máu cho phần tay đứt rời sớm nhất có thể.
Được biết trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã xử lý cấp cứu tối khẩn cấp nối ghép lại cho 04 ca đứt rời cẳng tay, cẳng chân như trường hợp anh T.Đ.T.