Mẹ chồng nuôi 5 con ăn học thành tài
Cách đây khoảng 4 năm, Đặng Thị Diễm Mi (26 tuổi, quê Kiên Giang) về nhà bà Đặng Thị Du (61 tuổi, ở An Giang) chúc Tết. Khi đó, Mi và chồng vẫn đang giữ mối quan hệ bạn bè. Lần đầu gặp bà Du - cũng là mẹ chồng tương lai sau này, Mi đã cảm mến ngay lập tức.
"Hai đứa mình là bạn nhậu, định lên chơi chúc tết thôi chứ khi ấy không nghĩ sẽ làm con dâu mẹ. Hai mẹ con hôm đó cũng nhậu chung vài lon", Mi nói.
Còn bà Du thấy Mi xinh xắn, nhỏ nhẹ, dễ thương nên cũng rất ưng bụng. Khoảng 1 năm sau đó, cả hai kết hôn dưới sự tác thành nhiệt tình của hai bên gia đình.
Diễm Mi được mẹ chồng "chấm" ngay từ lần đầu gặp
Chồng bà Du mất đã lâu, một mình bà làm ruộng nuôi 5 con (4 trai, 1 gái) khôn lớn, học đại học ở Sài Gòn. Hiện 3 người con của bà Du đang ở bên Hàn Quốc, người làm tiến sĩ, người làm thạc sĩ. Các con dâu của bà cũng đều học lên cao học, giỏi giang, tháo vát, trong đó có Diễm Mi. Hiện Mi là bà chủ của một tiệm bán bánh bao, nhiều người vẫn gọi cô với biệt danh "Mi bánh bao" nhờ có sở trường làm bánh đặc biệt này.
Kể về những ngày đầu làm dâu, Mi thật thà nói, ban đầu cô cảm thấy "hơi rén". Buổi sáng đầu tiên ở nhà chồng, phòng của vợ chồng Mi và mẹ chỉ cách nhau đúng một vách cửa.
"Tối hôm trước đãi tiệc nên cũng mệt. Nhưng sáng 5 giờ mấy gì đó, thấy má ho một tiếng, tôi sợ quá bật dậy lấy chổi quét nhà, rửa chén. Sau này mới biết má hiền lắm, toàn để con dâu ngủ tới 9-10h", Mi kể.
Tổ ấm của vợ chồng Diễm Mi
Dù được mẹ chồng khen khéo léo nhưng Mi thú nhận rằng đôi khi cô hơi "vụng" chuyện bếp núc. Những ngày nhà có đám giỗ, Mi không biết nấu cơm. Bà Du không trách mắng gì, chỉ đưa cho con dâu rổ đậu phộng để rang, còn lại mọi việc để bà lo.
"Mình áp lực vì không biết nấu cơm. Ở nhà trước toàn nấu bằng bếp than, không biết nấu cơm điện. Về đây kêu nấu cái nồi bự vậy, rồi lỡ nấu dở cả đám giỗ ăn sao. May má bảo, để má làm hết cho", Mi nói.
Con dâu tặng vàng, báo hiếu mẹ chồng
Trước đây bà Du gắn liền với công việc đồng áng. Sau này khi các con đã trưởng thành, bà bán hết ruộng, chia đất cho các con lên Sài Gòn lập nghiệp. Còn bà ở lại An Giang, thi thoảng qua nhà con phụ trông cháu giúp. Mưu sinh từ cảnh nghèo khó, bà luôn sống tần tảo, tiết kiệm nhưng không bao giờ để các con thiếu ăn thiếu mặc.
Mi kể, mẹ thường sẵn sàng lên mạng đặt những chiếc đầm 500.000 - 600.000 đồng tặng con dâu trong khi bản thân ít mua những món đồ giá trị. Lần nào các con về thăm, bà Du cũng gói ghém quà quê với đủ đồ ăn, thức uống tẩm bổ.
Bà Đặng Thị Du
Còn với Mi, biết mẹ vất vả, khổ cực từng ấy năm nên cô luôn mong được báo hiếu. Mi thường mua quần áo, tặng mẹ lắc vàng, vòng cổ vàng và nhiều đồ trang sức giá trị.
Ngày mang bầu, Mi thấy cơ thể khoẻ khoắn nên thường lái xe từ Kiên Giang lên An Giang chơi với mẹ chồng. Cô nói với mẹ: "Thôi mẹ khỏi cần chăm con, giờ con dắt má đi làm móng, mát xa, gội đầu...". Hai mẹ con Mi luôn thân thiết, không có khoảng cách.
"Bây giờ tụi con cũng đã khấm khá hơn, làm ăn có chút đỉnh. Con chỉ muốn má tiêu xài chút đi cho thoải mái chứ má vẫn tiết kiệm như ngày xưa hoài. Nhiều hôm nực, đổ mổ hôi, má không dám bật cái quạt. Mấy món ngon, 7,8 chục ngàn má bảo khỏi ăn đi, để cho các con cháu", Mi rưng rưng khi nói về mẹ chồng.
Vợ chồng Mi tặng vàng báo hiếu mẹ chồng
3 năm qua, mối quan hệ giữa hai mẹ con Mi vẫn luôn hoà thuận nhờ có anh Dương Chí Hữu (chồng chị Mi) làm "cầu nối". Anh Hữu là người truyền đạt mọi tâm tư nếu giữa hai mẹ con khi có điều khó nói.
"Nhiều khi má muốn với vợ mà lại ngại, sợ vợ buồn nên hay nói qua tôi. Vợ cũng vậy, vợ lo má buồn, lo nói những chuyện không hay nên cũng nói với chồng luôn. Giờ chỉ mong sao hai má con có thể tâm sự thẳng thắn với nhau, như vậy vẫn tốt hơn", anh Hữu nói.
Giờ đây chị Mi, anh Hữu chỉ mong mẹ được khoẻ mạnh, biết cách hưởng thụ, chăm sóc bản thân. "Giờ ba mất rồi, tụi con cũng như mấy anh em dâu rể trong nhà chỉ muốn má bớt âu lo, đi du lịch, vui vẻ với con cháu. Như vậy là tụi con mừng rồi", anh Hữu bộc bạch.