Mua 'thần dược' tiền triệu phòng đột quỵ, cẩn thận hại gan, thận

Admin
'Tại bệnh viện, thấy răng của người bệnh đột quỵ vàng khè, chúng tôi biết ngay gia đình đã tự ý cho uống thuốc Đông y trước khi đến viện', BS Cường ngán ngẩm cho biết.

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não.

BSCKI Phạm Văn Cường - Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thông tin, chúng ta thường nghĩ đột quỵ là bệnh lý ở người già. Nhưng quan niệm này hiện đã không còn chính xác vì số lượng bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi ngày càng gia tăng.

Lo lắng với căn bệnh đột quỵ, dù được cảnh báo nhiều nhưng không ít gia đình vẫn nghe lời truyền miệng đã tự mua thuốc dự phòng đột quỵ (chủ yếu là Đông y) với mức giá không hề rẻ.

c

BSCKI Phạm Văn Cường thăm khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ

Chia sẻ với VietNamNet, BSCKI Phạm Văn Cường cho biết, trước đây, trong quá trình thăm khám, bác sĩ gặp nhiều trường hợp gia đình tự ý cho nạn nhân uống thuốc Đông y trước khi đến cơ sở y tế. Hiện nay tình trạng này đã giảm hơn những vẫn còn tồn tại.

“Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện. Thấy răng của người bệnh vàng khè, chúng tôi biết ngay gia đình đã cho uống thuốc An cung ngưu hoàng hoàn”, nam bác sĩ chia sẻ.

Điển hình là trường hợp một bệnh nhân 65 tuổi tới viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Khi kiểm tra bệnh nhân, thấy răng vàng khè, người thân trong gia đình cũng chia sẻ đã tự cho người bệnh uống thuốc An cung. Người thân bệnh nhân cho biết, thấy quảng cáo thuốc này quá kỳ diệu trong phòng ngừa đột quỵ nên gia đình quyết mua dù giá đắt. Tuy nhiên việc uống thuốc không đem lại tác dụng cho người bệnh.

Theo BS Cường, tất cả những thuốc được người dân truyền miệng như “thần dược” phòng đột quỵ thường là thuốc Đông y. Nguồn gốc, xuất xứ và thành phần các thuốc này không rõ ràng. Đồng thời chưa có nghiên cứu nào khẳng định các thuốc này có tác dụng trong dự phòng, điều trị đột quỵ. Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo người dân không nên dùng.

Việc điều trị dự phòng đột quỵ não còn phụ thuộc vào thể bệnh, yếu tố nguy cơ nên điều trị dự phòng phải do bác sĩ chỉ định. Ngoài ra theo một số nghiên cứu, các thuốc đông y được cho là thần dược này có thành phần Asen (thạch tín), thủy ngân - một số thành phần có hại cho gan, thận. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc kể cả như chưa hay bị đột quỵ rồi.

BS Phạm Văn Cường phân tích thêm, đột quỵ não có 2 thể bệnh: chảy máu não và tắc nghẽn mạch máu não. Khi chưa biết thể bệnh đã uống thuốc có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng khó lường trước.

Vì vậy người bệnh điều trị dự phòng bằng những thuốc giá thành rẻ hơn có nghiên cứu rõ ràng và mỗi thể bệnh đều cần chỉ định khác nhau vì vậy đều phải có tham vấn của bác sĩ.

Người dân có thể nhận biết đột quỵ bằng dấu hiệu B.E.F.A.S.T

B (BALANCE): Bệnh nhân bị mất thăng bằng, chóng mặt.

E (EYE): Bệnh nhân nhìn mờ, nhìn đôi, giảm thị lực.

F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.

A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.

S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

“Nên nhớ rằng khi nhận thấy những dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian là vô cùng quan trọng. Người nhà nên gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất”, BS Cường khuyến cáo.

Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu tới, BS Cường khuyên kiểm tra mạch, huyết áp cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân rối loạn ý thức để bệnh nhân tư nằm nghiêng đầu để tránh hít phải chất nôn gây sặc, viêm phổi.

Về điều trị đột quỵ, BS Nguyễn Minh Đức (Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cũng nêu những sai lầm và điều cần tránh khi cứu người đột quỵ:

1. Không được tự ý điều trị cho người đột quỵ dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió… Vì những động tác này có thể làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

2. Không được cho người đột quỵ ăn uống để đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.

3. Không tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Bởi vì đột quỵ có hai dạng đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não, nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu khi ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tuột huyết áp, các tĩnh mạch càng thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong hơn. Ngoài ra, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân dẫn tới đột quỵ nhưng nó là sự ảnh hưởng của một quá trình dài.

Ở thời điểm đột quỵ do tắc mạch máu, cơ thể sẽ có cơ chế tự động tăng huyết áp để bằng mọi cách “khơi thông” dòng máu. Nếu uống thuốc hạ huyết áp vào thời điểm này sẽ đi ngược cơ chế tự nhiên của cơ thể và làm mất thêm thời gian.