Theo đó, vào tháng 10/2022 cháu của ông Trần, ở Nhạc Thanh, thị trấn Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc không may qua đời. Đau xót khi rơi vào hoàn cảnh “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh” ông Trần thường xuyên khóc thầm.
Được biết, ông Trần 76 tuổi, làm nghề chuyên về tang lễ lâu năm. Do tính chất nghề nghiệp, ông Trần là người mê tín.
Thấy cháu trai chưa kết hôn đã qua đời, càng nghĩ ông lại càng thương xót. Nghĩ rằng dù âm dương cách biệt, ông vẫn có cách khiến cháu trai bớt cô đơn, ông Trần quyết tâm thực hiện "minh hôn" hay còn gọi là "đám cưới ma" - hủ tục mê tín ở một số vùng quê Trung Quốc.
Nghe thấy làng bên có một cô gái trẻ đã chết cách đây 20 năm trước. Ông Trần nghĩ bụng độ tuổi mất của cô gái vừa hay lại hợp với cháu trai ông. Ông Trần quyết định sang ngỏ lời với nhà cô gái đã mất. Tuy nhiên vì không ai mê tín nên ông Trần đã bị đuổi về ngay sau đó.
Biết không thể thỏa thuận với đằng gái, ông Trần tìm đến người đàn ông tên Phan, hứa sẽ trả 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng) nếu anh Phan trộm được hài cốt của cô gái.
Số tiền cũng khá lớn so với một người ở quê, anh Phan đồng ý và lập tức đi tìm đồng đội là Dư để thực hiện phi vụ. Phan hứa phi vụ thành công sẽ chia Dư 300 nhân dân tệ ( khoảng hơn 1 triệu đồng).
Vài ngày sau, Phan và Dư nhân lúc đêm khuya thanh vắng đã đánh cắp thành công hài cốt của cô gái xấu số và chôn cất cùng với cháu trai của ông Trần, thực hiện nghi lễ "đám cưới ma" cho cả hai.
Sau đó 1 tháng, gia đình cô gái phát hiện ra rằng hài cốt người thân đã bị đánh cắp nên ngay lập tức gọi cảnh sát, báo cáo cụ thể về sự việc.
Rất nhanh, ông Trần và đồng phạm bị bắt. Sau khi bị bắt, ông Trần đã thừa nhận sai lầm của mình và xin lỗi gia đình cô gái.
Viện kiểm sát thành phố Nhạc Thanh, thị trấn Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã xử ông Trần và các đồng phạm về tội trộm mộ, ăn cắp hài cốt, ba người này sau đó bị kết án tù có thời hạn từ 8 tháng đến 1 năm 2 tháng và cho áp dụng hoãn thi hành án.
Hủ tục đám cưới ma ở Trung Quốc
Trước khi bắt đầu tổ chức minh hôn, cha mẹ phải làm lễ nhờ đến “quỷ mai mối” đi dạm hỏi, sau đó xem quẻ. Nếu két quả xem quẻ thuận lợi thì gia đình mới may áo mới cho cô dâu chú rể rồi cử hành hôn lễ. Nếu cả hai người đều đã mất thì gia đình dùng hình nhân trong nghi lễ minh hôn, sau đó hợp táng, cô dâu chú rể chôn cùng một mộ.
Các nghi lễ khác được tiến hành như đám cưới thông thường, có lễ vật đàng hoàng. Trong hôn lễ, người ta nói chuyện với các hình nhân như với người còn sống. Nếu người đã mất là cô dâu, sau hôn lễ, khi đốt vàng mã, nhà trai sẽ đứng vây xung quanh, đánh trống thổi kèn.
Thời xưa, đám cưới ma chủ yếu chỉ diễn ra ở những gia đình khá giả, những người có điều kiện bỏ tiền mua sự đồng ý của gia đình người có con gái chết yểu để cưới cho con trai đã khuất của mình nhằm củng cố căn cơ gia tộc.
Thùy Dung (t/h)