Ngày càng nhiều người ở TP.HCM bị tai biến làm đẹp

Vũ Hạnh
Trái với kỳ vọng, sau khi đi thẩm mỹ tại các spa không uy tín, nhiều người bị tai biến nặng, vừa mất tiền vừa mất sức lao động.

Mỗi năm, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận khoảng 600-700 ca bị tai biến khi đi thẩm mỹ da. Ảnh: Duy Hiệu.

L.N.H.T. (25 tuổi, sống ở huyện Bình Chánh) nhập viện trong tình trạng môi sưng nề, bầm tím, sờ vào có khối căng cứng trong môi.

Trước đó, do vùng môi có nhiều nếp nhăn, T. đến spa tiêm filler (chất làm đầy) để xóa nhăn. Với mức giá 3,5 triệu đồng cho một ml filler, cô gái trẻ phải nhận lại đôi môi sưng nề, đau nhức. Mặc dù đã uống thuốc giảm sưng suốt 3 ngày, tình trạng môi không cải thiện, T. phải đến bệnh viện để chữa trị.

Không chỉ riêng T., nhiều người tìm đến các phương pháp làm đẹp tại spa với mong muốn thay đổi diện mạo nhưng nhận lại kết quả đáng tiếc.

Theo thống kê từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận khoảng 600-700 trường hợp bị tai biến khi đi thẩm mỹ da. Trong đó, số lượng bệnh nhân bị tai biến do kỹ thuật tiêm chích (như tiêm meso, filler, trẻ hóa da…) chiếm đa số.

Cái kết đắng khi đi làm đẹp tại spa

Bà T.L.T.T.T. (54 tuổi, sống ở tỉnh Đồng Nai) gặp tai biến nặng sau khi tiêm filler. Do bàn tay gầy gò, kém thẩm mỹ, người phụ nữ này muốn tiêm filler để bàn tay đầy đặn và đẹp hơn.

Sau tiêm, bàn tay bà T. có dấu hiệu sưng đau, không thể làm việc. Mặc dù đã được rạch da bàn tay để lấy mủ, uống thuốc kháng sinh, giảm đau tại bệnh viện tỉnh, tình trạng bà không thuyên giảm và kéo dài suốt 4 tháng. Cuối cùng, bà quyết định đến bệnh viện để điều trị.

Trước đó, vào cuối năm 2022, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận trường hợp bị trợt loét, mưng mủ ở hai bên gò má do nhiễm trùng sau khi dùng thuốc chứa axit không rõ nguồn gốc để trị sạm, nám.

Bệnh nhân là người phụ nữ 44 tuổi, sống ở tỉnh Tiền Giang. Người bệnh nhập viện trong tình trạng hai gò má bị thương tổn nặng, trợt da, rỉ dịch mủ vàng đục…

Trước đó, người phụ nữ này được người quen giới thiệu nên mua một loại thuốc chứa axit có giá hơn 200.000 đồng để trị sạm, nám. Mặc dù có cảm giác châm chích, bỏng rát nhiều sau khi dùng, bệnh nhân vẫn tiếp tục thoa vì cho rằng thuốc đang phát huy hiệu quả.

Sau 3 ngày, vùng da hai gò má bắt đầu khô căng, xuất hiện vết trợt giống bị bỏng, chỗ vết thương rỉ dịch, có mủ vàng đục. Tình trạng kéo dài hơn cả tháng không cải thiện mà càng sưng nề, rỉ dịch, chảy mủ nhiều hơn, bệnh nhân phải đến bệnh viện để khám.

tai bien da anh 1

Bác sĩ chuyên khoa II Lư Huỳnh Thanh Thảo đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Nam Giao.

Ngày càng nhiều người bị tai biến da

Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Lư Huỳnh Thanh Thảo, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 4-5 ca bị tai biến da từ nhẹ đến nặng. Bên cạnh tai biến do tiêm chích tại các cơ sở thẩm mỹ, spa không uy tín, bệnh nhân cũng gặp biến chứng do tự sử dụng thuốc bôi tại nhà hay viêm da tiếp xúc dị ứng”.

Theo bác sĩ Thảo, tiêm filler (chất làm đầy) là một trong những phương pháp làm đẹp phổ biến nhất hiện nay, được mọi người ưa chuộng. Nó có khả năng làm đầy thể tích vùng hõm thiếu mô, cải thiện tình trạng chảy xệ và giúp khuôn mặt cân đối hơn. Bên cạnh đó, phương pháp này giúp tạo hình tinh tế cho đường nét khuôn mặt nhanh chóng, ít thời gian nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, tiêm filler là kỹ thuật rất khó, chỉ bác sĩ được đào tạo và cấp phép mới có thể thực hiện. Việc dùng chất làm đầy không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, người thực hiện không đủ trình độ chuyên môn, khả năng xảy ra biến chứng rất cao.

Bác sĩ Thảo cho hay khi tiêm chất làm đầy, nếu không đảm bảo nguyên tắc vô trùng, kỹ thuật không đúng có thể xảy ra tình trạng tắc mạch, chèn ép mạch máu, xuất hiện mụn mủ, loét dẫn đến hoại tử da. Trong trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể mù, mất thị lực vĩnh viễn.

Vì vậy, để phòng ngừa tai biến da, bác sĩ Thảo khuyến cáo trước khi thực hiện các phương pháp làm đẹp xâm lấn, người dân cần tìm hiểu kỹ về bản chất và mức độ an toàn của kỹ thuật để xem có phù hợp với bản thân hay không.

Trên hết, người dân nên lựa chọn làm đẹp tại bệnh viện uy tín, cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật, do bác sĩ đã được đào tạo và cấp phép thực hiện để tránh xảy ra tình huống đáng tiếc.

Đồng thời, nếu đang gặp các bệnh lý về da như nhiễm trùng da, viêm mạn tính, bệnh lý toàn thân… bệnh nhân sẽ được bác sĩ đánh giá giai đoạn đó có thể thực hiện các phương pháp làm đẹp hay không.

Ngoài ra, sau khi thực hiện phương pháp tiêm chích, da bệnh nhân thường có các phản ứng tạm thời như đau, sưng hay ửng đỏ nhẹ và sẽ giảm dần.

Nếu các tình trạng trên kéo dài hơn 24 giờ, ngày càng lan rộng thêm và xuất hiện mụn nước, mụn mủ, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế hay bệnh viện da liễu để khám. Việc điều trị sớm các biến chứng da sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân cũng như tránh các tai biến nặng nề không hồi phục.

Theo Zing