Nhân 73 năm ngày Thương Binh Liệt Sĩ, cùng nhìn lại câu chuyện về liệt sĩ Đào Nguyên Hồng - Người đã hi sinh ngay trước thềm nước nhà được độc lập, ngày 30-4-1975.
Căn nhà của liệt sĩ Đào Nguyên Hồng ở thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ông Đào Nguyên Cường - em trai liệt sĩ Hồng - cho hay: "Anh Triển vừa ở đây về. Năm nào giỗ anh Triển cũng về thắp hương cho anh tôi". Ông Phạm Ngọc Triển chính là bạn cùng chiến đấu ở đơn vị đại đội 10, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64A, sư đoàn 320A, Quân đoàn 3.
Gia đình liệt sĩ Hồng trước nay đều xem Ông Triển như người thân trong gia đình. Chính người đồng đội này cũng đã kể lại, ngày 28-4-1975, đơn vị hiệp đồng với binh chủng tăng thiết giáp đánh chiếm được Củ Chi, cửa ngõ phía Tây Sài Gòn.
Chiến tranh đã kết thúc nhưng nỗi nhớ thương vẫn khôn nguôi
Ngày 30-4-1975, đơn vị của ông Triển theo hướng Hóc Môn, Bà Điểm tiến vào trung tâm Sài Gòn để chiếm
dinh Độc Lập. "Chúng tôi đi nhờ xe khách của dân vào trung tâm. Khi cách dinh Độc Lập khoảng 1km thì xe không chạy nữa, chúng tôi xuống xe hành tiến theo đường Hồng Thập Tự nay đã đổi tên thành đường Nguyễn Thị Minh Khai tiến vào dinh Độc Lập.
Đến trước cửa dinh Hoa Lan thì tốp của tôi có anh Hồng và anh Chung gặp một ổ đề kháng. Một khẩu đại liên đặt trên tầng hai dinh Hoa Lan bắn xuống xối xả. Anh Hồng nấp ở một gốc cây, tôi với anh Chung nấp ở một lô cốt ngay gần đó. Anh Hồng ra hiệu cho chúng tôi chuẩn bị tiếp cận, rồi anh nhoài người ra bắn áp chế về hướng ụ súng.
Khi bắn được vài loạt đạn thì anh Hồng bị trúng một viên vào đầu. Anh ấy ngã xuống, loang máu đỏ ngay trước mắt tôi. Lúc ấy là khoảng giữa trưa ngày 30-4-1975 lịch sử, bộ đội đã treo cờ được trên dinh Độc Lập. Chúng tôi tiếp tục bắn áp chế về hướng ụ súng vài loạt đạn nữa thì thấy ụ súng im. Tôi không biết có bắn trúng hay lính đối phương bỏ chạy". Đơn vị của ông Triển được lệnh tiến vào dinh, anh Hồng được đơn vị tuyến sau lo liệu an táng cho liệt sĩ. Và thế là Liệt sĩ Đào Nguyên Hồng đã hi sinh ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập -
Sài Gòn.
Di ảnh liệt sĩ Đào Nguyên Hồng
Sau khi chiến tranh kết thúc là thời kỳ kinh tế khó khăn. Cho đến nay, gia đình ông cường vẫn chưa có điều kiện để ghé thăm mộ liệt sĩ Hồng. "Trước khi bố mẹ tôi mất, ông bà có ước nguyện tìm lại được mộ của anh tôi. May có anh Triển, anh ấy đã giúp gia đình tôi tìm lại phần mộ của anh tôi".
Tờ giấy báo tử ghi liệt sĩ Hồng được an táng tại mộ số 15, nghĩa trang Gia Định. Thế nhưng khi ông Triển tìm lại được gia đình của liệt sĩ Hồng thì nghĩa trang Gia Định không còn. Chiến tranh kết thúc, đơn vị ông Triển tập kết ở Tây Nguyên. Đến năm 1991, ông Triển về báo Lào Cai. Năm ấy ông viết một bài xúc động về chính người đồng đội của mình đã hi sinh ngay trước cửa dinh Độc Lập. Bài báo ấy được người nhà giữ lại. Em rể liệt sĩ Hồng mang bài báo gặp ông Triển để nhờ ông tìm mộ. "Đến lúc ấy tôi mới biết gia đình bạn tôi chưa tìm được mộ anh ấy”.
Những kỷ vật của liệt sĩ Hồng
Năm 2000, nhân một chuyến công tác vào Sài Gòn, ông Triển tìm đến nghĩa trang Tân Thạnh Tây. Ông đến thắp hương ở phần mộ của liệt sĩ Đào Thiên Hùng nhưng không nghĩ đó chính là bạn mình. "Cách đây vài tháng, tôi tình cờ đọc được thông tin trên trang web lietsi.com. Trong đó có thông tin "Liệt sĩ Đào Nguyên Hồng, an táng tại nghĩa trang Tân Thạnh Tây". Tôi tra lại ngày sinh, ngày nhập ngũ, đơn vị... khẳng định phần mộ của liệt sĩ Đào Thiên Hùng đúng là của liệt sĩ Đào Nguyên Hồng" - ông Triển xúc động kể.
Ông Triển luôn lưu giữ lại những kỷ vật của người bạn quá cố, bao gồm cả tờ giấy báo tử, thư chia buồn và những bức ảnh của liệt sĩ Đào Nguyên Hồng. Ông dự định sẽ tặng lại những kỷ vật này cho Bảo tàng tỉnh Lào Cai để tri ân người đồng đội đã ngã xuống trước thời khắc lịch sử của đất nước 30-4-1975.
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2020/07/27/73-nam-ngay-thuong-binh-liet-si-tuong-nho-nguoi-linh-nga-xuong-dung-vao-ngay-dat-nuoc-doc-lap_27072020120928.mp4[/presscloud]
Thắp nến tri ân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2020
Theo Phương Hoa/SKCĐ