Khi người cháu đến cũng chỉ có thể vội lau chùi vết thương, đỡ bà lên giường nằm nghỉ rồi về vì "nhà còn hai đứa con nhỏ".
"Tự nhiên nước mắt tôi cứ thế chảy xuống. Con cháu đủ đầy mà giờ một mình, kể cả khi gặp nạn'', bà Thành nói.
Hai năm trở lại đây, khi bước sang tuổi 70, bà thấy sức khỏe sa sút hẳn. ''Một phần vì già rồi, phần vì ông nhà tôi mất, không còn người bầu bạn'', bà lý giải. Ba người con bà đều đi làm trên thành phố, nhiều lần muốn đón bố mẹ lên nhưng ông bà chỉ ở được ít tuần rồi tự bắt xe về quê ở Hải Dương.
Cuộc sống chật chội trong những chung cư khiến họ cảm giác khó thở. Hơn nữa, những thói quen sinh hoạt của người thành phố, cách ăn uống làm hai người sống cả đời ở quê thấy lạc lõng. Không thể thuyết phục bố mẹ ở lại, cũng chẳng thể bỏ phố về quê, các con bà đành chiều theo ý bố mẹ. Họ thay nhau gửi tiền về để ông bà tự chi phí.
Mỗi tháng, các con cháu thay nhau về ở với mẹ vài đêm rồi đi. ''Đời người trải đủ thứ lo toan về già lại chỉ thèm một thứ duy nhất, là được con cháu quan tâm'', bà Thành nói.
Chồng mất, bà như "gẫy một cánh tay'' cứ thơ thẩn trong nhà cả ngày. Các con lại đề nghị đón mẹ lên, nhưng bà không nỡ để bàn thờ chồng lạnh lẽo, cũng không chịu được sự ồn ào của thành thị. Từ đó, bà Thành tham gia vào 8,6% người cao tuổi sống một mình, theo số liệu mới nhất của Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho hay, nỗi cô đơn của người già như bà Thành đang là một thực tế, ngày càng gia tăng ở Việt Nam.
"Vì đặc thù công việc, nhiều gia đình con cái khi trưởng thành lên thành phố làm việc và sinh sống, tách khỏi bố mẹ. Thậm chí, có những gia đình con cái còn ở nước ngoài. Mô hình gia đình hạt nhân ngày càng phát triển, thay thế mô hình đa thế hệ như truyền thống", ông Cừ nói.
Thông tin từ một cuộc điều tra dân số củng cố thêm quan điểm của ông Cừ, khi chỉ ra cấu trúc gia đình Việt Nam đang thay đổi rõ rệt. Trong nghiên cứu công bố năm 2021 của Viện nghiên cứu Gia đình và giới, người cao tuổi sống cùng con giảm từ 79,73% vào năm 1992 -1993 xuống còn 28,4% năm 2017.
Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện tại TP HCM) cho rằng bên cạnh bối cảnh xã hội, sự mất kết nối giữa cha mẹ và con cái cũng là một trong những nguyên nhân khiến người già cô đơn, dù sống riêng hay ở cùng.
"Con cháu và bố mẹ già bây giờ quá khác biệt nên không thể hiểu được lối sống, cách ăn uống, ứng xử, không có sự đồng thuận, dẫn đến mất kết nối. Người già không thích ở với con và con cũng không thích ở với người già'', bà Thúy nói.
Đây cũng là tâm sự của bà Thành sau một thời gian sống cùng con ở phố. Dù máy giặt chạy cả giờ đồng hồ, bà vẫn tin nó không sạch bằng giặt tay. Người mẹ cũng thấy một tuần ăn đến ba bữa ngoài hàng là lãng phí, lại không sạch sẽ. Lần nào con dâu mua quần áo trên mạng, bà cũng thấy tiếc tiền vì "chất nóng, mặc chật chội mà lại đắt hơn chợ quê".
''Tôi nhờ đứa cháu mua cho vài bộ quần áo của hàng quen ở quê gửi lên cho. Quần áo thì tôi giặt vài nước cho sạch mới cho vào máy'', bà kể. Người mẹ vô tư, nhưng các con bà lại tự ái. Họ trách ngược mẹ làm vậy khiến mọi người nghĩ các con không lo cho mẹ được bộ đồ tử tế, phải mua ở quê gửi lên. Họ cũng không thoải mái khi người mẹ hay càm ràm chuyện mua bán.
"Cuộc sống bận rộn, đủ thứ phải lo. Dùng máy giặt hay ăn ngoài hàng đôi ba bữa là để giải phóng sức lao động, có thời gian nghỉ ngơi chứ các con đâu có rảnh để làm hết mọi thứ được'', chị Hạnh, con dâu bà Thành phân trần với mẹ. Nhưng bà tự ái, nghĩ con có ý nói mình ''rảnh không có việc gì làm''. Dù các con khuyên giải thế nào, bà cũng giục chồng về quê, không trở lại thành phố nữa.
"Bữa cơm, chúng nó toàn nói những chuyện công ty, chuyện buôn bán làm ăn, lâu lâu thêm mấy câu tiếng Anh, chúng tôi như người thừa. Vài đứa cháu nhưng tối là chúng xem điện thoại, ôm máy tính, có đứa nào thích nghe truyện Kiều, nghe ca dao đâu", bà than.
Kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020, cứ 2,2 người cao tuổi có một người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu trong gia đình mở rộng.
Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy cho biết, đôi khi cách ứng xử của con cái không tinh tế, không hiểu tâm lý người già hoặc vô tâm cũng dễ gây tổn thương cho cha mẹ. "Ví dụ chỉ câu nói tưởng vô tình kiểu 'mẹ không hiểu được đâu!' cũng có thể khiến người già để bụng. Dù sống cùng con cháu, không phải lo tiền bạc, họ vẫn thấy lạc lõng, cô đơn'', bà nói.
Bên cạnh một bộ phận người già tích cực giao lưu, gặp gỡ, đa số người lớn tuổi ở Việt Nam có tâm lý tự thu mình, ngại giao tiếp, ngại gặp gỡ mọi người dẫn đến cô đơn. Một số người lại vì sợ con cái lo lắng, suy nghĩ nên không nói ra chuyện mình mệt mỏi, ốm đau hay buồn bực, khiến khoảng cách thế hệ càng xa.
Theo bà Thúy, cô đơn, đồng nghĩa người già không có người chia sẻ những khó khăn mà độ tuổi của họ phải đối mặt, đặc biệt là sức khỏe, thiếu người quan tâm, chăm sóc. Giống như bà Thành, họ dễ gặp rủi ro về sức khỏe.
Hai năm dịch bệnh, khi vợ lên Hà Nội chăm cháu nội, ông Trần Văn Đức (75 tuổi, ở Hà Nam) bị ngã chảy máu đầu. Ông lão một tay dựa tường đứng dậy, một tay ôm đầu, tự đi đến trạm xá khâu. Dù huyết áp cao, ông vẫn tự bắt xe lên bệnh viện Bạch Mai khám khi mệt vì không muốn phiền ai, dù các con sống ở Hà Nội. Khi con gái gọi điện lên báo cho mẹ, bà Thịnh, vợ ông Đức chỉ biết nằm khóc. ''Hẳn lúc một mình, ông ấy cô đơn lắm'', bà nói.
Nhưng không chỉ cha mẹ già buồn phiền, theo bà Phạm Thị Thúy, việc họ ôm nỗi cô đơn, không chia sẻ cũng khiến các con sống trong nỗi day dứt, lo lắng. ''Gia đình có điều kiện còn lắp được camera để biết cha mẹ thế nào, gửi tiền hàng tháng chu cấp, chứ con cái nghèo, không thể ở bên sẽ canh cánh hơn nữa", bà nói.
"Cô đơn, buồn phiền khiến sức khỏe người già ảnh hưởng nghiêm trọng, lại tạo thêm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội nói chung, cho con cái của các gia đình nói riêng'', ông Trương Xuân Cừ nhận định.
Thực tế chứng minh, tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Dự báo đến 2050, Việt Nam sẽ trở thành "nước siêu già" với tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 18%. Điều này gây áp lực với hệ thống an sinh xã hội, suy giảm nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải gánh 3 người ngoài tuổi lao động. Đương nhiên, nếu người già phải đối mặt với vấn đề về tâm lý, sức khỏe gánh nặng sẽ càng tăng thêm.
Bà Phạm Thị Thúy cho rằng người già nên tập suy nghĩ tích cực, lạc quan, thường xuyên tham gia các hoạt động cộng đồng phù hợp với độ tuổi để vui vẻ hơn.
Để không cô đơn, ngay từ khi còn trẻ, mỗi người cần tạo thói quen tốt, nếp sống khoa học, biết lắng nghe và chia sẻ với người khác, dám nói ra những khó khăn của bản thân. ''Phải có trách nhiệm với tuổi già và chuẩn bị cho tuổi già càng sớm càng tốt. Sự chuẩn bị không chỉ tài chính mà còn là tâm lực, trí lực mà cả thể lực'', chuyên gia nói.
Ông Trương Xuân Cừ nêu ý kiến, Việt Nam cần phát triển nhiều hơn nữa các viện dưỡng lão, các hình thức chăm sóc sức khỏe cho người già, khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hoạt động tập thể để sống vui, sống khỏe.
Về mặt chính sách, bà Thúy cho rằng đang có những lỗ hổng. Sau 60 tuổi, sức khỏe của người già đã giảm sút, nhưng trợ cấp xã hội đến 80 tuổi mới được hưởng. Trong khi đó, hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác. Nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn vẫn từ hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
"Tài chính là yếu tố quan trọng giúp con người thấy tự tin và yên tâm hơn. Nếu người già không có lương, không có trợ cấp, con cái khó khăn không thể hỗ trợ, họ sẽ càng buồn phiền, co mình lại, dẫn đến cô đơn'', chuyên gia nói.
Bà Thành không trách các con, chỉ phiền vì tuổi già, không thể thích nghi. Người mẹ chấp nhận sống một mình ở quê, dù lúc nào cũng ước một trong ba đứa dọn về gần.