Nóng: Temu chính thức xuất hiện tại Việt Nam, rất có thể sắp mua lại 1 nền tảng TMĐT trong nước

Lazada, Shopee liệu có lo sợ?
Nóng: Temu chính thức xuất hiện tại Việt Nam, rất có thể sắp mua lại 1 nền tảng TMĐT trong nước- Ảnh 1.

 

Mới đây, thông tin Temu chính thức xuất hiện ở thị trường Việt Nam và Brunei đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Nền tảng mới chỉ 2 năm tuổi này từng làm mưa làm gió ở thị trường Mỹ hiện đang tích cực tiếp cận thị trường Đông Nam Á. Sau khi xuất hiện ở Philippines và Malaysia cách đây hơn 1 năm, đồng thời bắt đầu giao hàng ở Thái Lan vào tháng 7/2024 thì hiện Temu đã có mặt ở Việt Nam lẫn Brunei.

Tính đến 7/10/2024, Temu đã xuất hiện tại 5 thị trường Đông Nam Á, hoạt động tổng cộng tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trên thực tế từ tháng 7/2024, người trong ngành đã biết đến khả năng Temu sẽ gia nhập thị trường Việt Nam.

Hiện phiên bản ra mắt trang web Temu Việt Nam còn khá thô sơ khi mới chỉ có tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt, chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng chứ chưa có ví điện tử địa phương, đồng thời cũng chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần được kết nối là Ninja Van và Best Express.

Nóng: Temu chính thức xuất hiện tại Việt Nam, rất có thể sắp mua lại 1 nền tảng TMĐT trong nước- Ảnh 2.

 

Dẫu vậy những tính năng này được cho là sẽ dần được hoàn thiện khi Temu thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Theo trang web của Temu, việc vận chuyển hàng hóa sẽ mất khoảng 4-7 ngày, nhanh hơn nhiều so với 5-20 ngày tại thị trường Malaysia và Philippines. Điều này dễ hiểu vì việc vận chuyển từ Quảng Châu đến Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện qua đường bộ.

Động thái của Temu được cho là dễ hiểu khi báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) tại Đông Nam Á 2024 của Momentum Works nhấn mạnh Việt Nam là thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GMV theo năm là gần 53%.

Mua lại nền tảng TMĐT

Việc Temu xuất hiện tại thị trường Đông Nam Á đang khiến nhiều nước coi trọng. Ví dụ như ở Indonesia, chính phủ đã cân nhắc các lệnh cấm với Temu để bảo vệ những cá thể hộ kinh doanh nhỏ của nền kinh tế.

Điều này đã từng diễn ra cách đây 1 năm trước khi Indonesia cũng ban hành các chính sách siết chặt với TikTok Shop, nhưng nền tảng này nhanh chóng quay lại đường đua thông qua việc mua lại Tokopedia chỉ 2 tháng sau đó.

Bởi vậy hiện đang có tin đồn chưa được xác nhận rằng Temu có thể đang đàm phán mua lại một trong những nền tảng TMĐT địa phương ở Việt Nam.

Dẫu vậy, dù thông tin này có chính xác hay không thì việc Temu tham gia thị trường Việt Nam sẽ càng khiến cuộc chiến TMĐT trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.

*Nguồn: Tổng hợp

Băng Băng