Nữ y tá bị bắt giữ vì ăn cắp tiền qua thẻ tín dụng. |
Tiffany Acuna, nữ y tá làm việc tại American In-Home Care (Florida, Mỹ), đang phải đối mặt với cáo buộc trộm cắp và sử dụng ID trái phép, theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Volusia.
Theo Insider, Acuna đã mở thẻ tín dụng dưới tên của nữ bệnh nhân Alzheimer 88 tuổi, lấy tiền để chi cho phẫu thuật thẩm mỹ.
Đầu tháng 4, nạn nhân và chồng của bà bất ngờ nhận được hóa đơn thẻ tín dụng trị giá 7.160 USD qua đường bưu điện tại nhà của họ ở Deltona, Florida.
Theo văn phòng cảnh sát trưởng, cuộc điều tra cho thấy Acuna đã sử dụng thẻ để chi cho một giao dịch vào tháng 11/2022 tại trung tâm thẩm mỹ Moon Plastic Surgery ở Miami. Tuy nhiên, cô đã phủ nhận các cáo buộc.
"Khi một thám tử liên lạc qua điện thoại với Acuna về các cáo buộc, ban đầu cô ấy từ chối chuyện đăng ký thẻ tín dụng đứng tên nạn nhân, phủ nhận việc phẫu thuật thẩm mỹ", một tuyên bố từ văn phòng cảnh sát trưởng cho biết.
Acuna sau đó đã liên lạc với chồng của nạn nhân, yêu cầu một cuộc gặp để nói về kế hoạch trả nợ.
Acuna bị chính quyền bắt giữ khi cô đến nhà bệnh nhân với 1.500 USD tiền mặt vào hôm 27/4. Cô cũng sở hữu một hợp đồng cho vay nhưng lại tuyên bố bệnh nhân đã "bật đèn xanh" cho cô mở tài khoản.
Theo Văn phòng Cảnh sát trưởng Volusia, Acuna đã bị đình chỉ công việc vào hôm 4/4. Cô bị bắt giam và được tại ngoại sau khi trả 10.000 USD tiền bảo lãnh.
Nhiều vụ lừa đảo tài chính xảy ra ở Mỹ, lợi dụng lòng tin và sự bất cẩn của nạn nhân. |
Những trường hợp lừa đảo tín dụng không phải hiếm ở Mỹ. Thủ phạm có thể sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau, như lừa đảo từ thiện, môi giới việc làm đến chiếm đoạt tiền thông qua hẹn hò trực tuyến.
Hồi tháng 1, một cụ ông ở Mỹ đã bị lừa gần 3 triệu USD khi gửi tiền cho người tình trẻ quen qua app hẹn hò.
Theo đó, ngày 26/1, cảnh sát thành phố Orlando (bang Florida, Mỹ) thông báo đã bắt Peaches Stergo vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người phụ nữ 36 tuổi đã tiếp cận một cụ ông 87 ở thành phố New York qua ứng dụng hẹn hò trực tuyến rồi tác động để người đàn ông chuyển cho cô ta khoảng 2,8 triệu USD từ năm 2017 tới 2021.
"Peaches Stergo đã lợi dụng lòng tin của một người cao tuổi đang tìm bạn đời để nương tựa nhau lúc cuối đời, rồi chiếm đoạt toàn bộ tiền tiết kiệm của ông ấy", Michael Droscoll, trợ lý giám đốc chi nhánh bang New York của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), phát biểu.
Với số tiền của nạn nhân, Stergo mua một ngôi nhà trong khu của người giàu, một căn hộ chung cư cao cấp, một du thuyền, nhiều xe hơi, đồ trang sức và đồng hồ hiệu. Cô ta cũng thực hiện nhiều chuyến du lịch xa xỉ, ở khách sạn sang trọng, chi hàng chục nghìn USD trong mỗi chuyến.
Đầu tháng 2, Madison Russo, một nữ sinh viên 19 tuổi ở Iowa (Mỹ), bị buộc tội lừa đảo hàng trăm nhà từ thiện bằng cách giả vờ mắc ung thư và chia sẻ thông tin rộng rãi trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, sau khi nhận 37.303 USD tiền từ thiện, Russo bị cảnh sát bắt vì tội lừa đảo. Đây được coi là tội nặng tại tiểu bang Iowa (Mỹ), đối mặt với án tù lên đến 10 năm và phạt tiền 1.000-10.000 USD, Insider đưa tin.
Phía cảnh sát cũng cáo buộc Russo ăn cắp những bức ảnh của bệnh nhân thật và chia sẻ đó là ảnh của mình. Theo hồ sơ y tế, Russo chưa từng bị chẩn đoán mắc bất kỳ bệnh ung thư hoặc khối u nào.
Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.