Ông bố ở Hà Nội đi xét nghiệm ADN con trai sau câu nói của người bạn thân, kết quả khiến vợ vừa khóc vừa ôm con về ngoại

Công nghệ xét nghiệm ADN giúp nhiều người tìm ra được sự thật bị giấu kín, thế nhưng không ít người vì sự nghi ngờ thoái quá, lạm dụng xét nghiệm để rồi phải xấu hổ với chính bản thân mình.

Đại tá Hà Quốc Khanh – Cố vấn khoa học cao cấp Trung tâm xét nghiệm Gentis cho biết, quá trình làm việc tại trung tâm ông đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp đi xét nghiệm huyết thống vì những lý do rất vu vơ, không có căn cứ khoa học. Để rồi sau khi có kết quả xét nghiệm, những người này lại xấu hổ với chính bản thân mình và hơn thế nữa là gây rạn nứt tình cảm vợ chồng, thậm chí tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Anh Tô Mạnh Dũng và chị Hoàng Thị Thanh ở Hà Nội đã cưới nhau hơn 10 năm, hiện đang có một cậu con trai 9 tuổi. Từ khi lấy nhau gia đình vô cùng hạnh phúc, vui vẻ. Anh Dũng là một người thành đạt, hiện đang làm cho một công ty nước ngoài. Dù bận nhiều việc nhưng người đàn ông này lại rất yêu thích nấu ăn, luôn bố trí hợp lý công việc để mỗi buổi chiều về giúp vợ công việc nhà. Với anh Dũng, công việc có thể đổi được nhưng vợ con mới là tất cả.

Chị Thanh làm nhân viên văn phòng, trong cuộc sống, bạn bè, đồng nghiệp đều “ghen tị” vì chị có một người chồng trên cả tuyệt vời. Ai cũng nói chị Thanh quá “tốt số” khi có được người chồng như vậy.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi một người bạn thân từ nhỏ của anh Dũng từ nước ngoài về nước, rồi đến thẳng nhà bạn thân để thăm gia đình, bởi đã lâu không gặp, dịp cưới cũng chẳng về dự được. Lần đầu gặp mặt sau bao ngày xa cách, câu nói bâng quơ của người bạn thân: “Sao cháu Hùng (con anh Dũng) nhìn chẳng giống cậu ngày bé chút nào thế”, khiến anh Dũng bắt đầu suy nghĩ.

Ông bố ở Hà Nội đi xét nghiệm ADN con trai sau câu nói của người bạn thân, kết quả khiến vợ vừa khóc vừa ôm con về ngoại - 1
Anh Dũng bắt đầu nghi ngờ vợ từ khi có câu nói của người bạn thân về ngoại hình đứa con trai của mình. (Ảnh minh họa)

“Có những đêm đang ngủ, tôi nghĩ đến câu nói đó rồi bật dậy nhìn khuôn mặt của con. Đúng là ngày nhỏ tôi mặt gầy, bây giờ vẫn gầy như thế. Nhưng con tôi thì mặt phúng phính, mắt 1 mí trong khi cả hai vợ chồng đều 2 mí”, anh Dũng kể lại.

Cũng từ đó, anh nghĩ về chuyện mình và vợ ngày xưa đến bên nhau. Thời điểm anh đến với vợ là khi cô ấy đang thất tình, bị người yêu phụ bạc. Vì anh đến quá đúng lúc, lại chia sẻ với những đau khổ mà chị Thanh khi ấy đang gặp phải, do vậy chị đã chấp nhận lời cầu hôn của anh.

Xâu chuỗi lại tất cả mọi thứ, cộng thêm câu nói của người bạn thân, anh Dũng bắt đầu hoài nghi, nhất là chuyện vợ anh có mối tình sâu nặng với người yêu cũ khi xưa. Vậy là anh quyết định tra hỏi vợ, sau đó đề nghị đi xét nghiệm huyết thống công khai, có cả sự chứng kiến của vợ. Mẫu đã được gửi đến trung tâm xét nghiệm, anh Dũng hồi hộp lo lắng vô cùng. Nếu Hùng không phải con anh, anh sẽ đối diện với sự thật này thế nào? Hạnh phúc bao năm xây đắp sẽ ra sao? Nhưng nếu đứa trẻ là con ruột của anh, anh sẽ ăn nói thế nào với vợ? Vợ anh sẽ thế nào khi bị hàm nghi và bị đổ oan?

Để rồi, khi có kết quả xét nghiệm con trai anh và anh cùng huyết thống, khi đó anh thay vì vui mừng anh lại cảm thấy có sự hoài nghi. “Nhìn lại con vẫn thấy có nét hao hao giống người tình cũ, vậy có khi nào kết quả là sai?”, anh lẩm bẩm. Nghe thấy chồng nói vậy, người vợ chạy ra ngoài khóc, rồi sau đó ôm con về nhà mẹ đẻ. Còn anh Dũng được các chuyên gia trấn an tâm lý, giải thích cặn kẽ về kết quả xét nghiệm này.

Ông bố ở Hà Nội đi xét nghiệm ADN con trai sau câu nói của người bạn thân, kết quả khiến vợ vừa khóc vừa ôm con về ngoại - 2
Đại tá Khanh cho biết, ngoại hình không quyết định được quan hệ huyết thống. Ảnh: Lê Phương.

Đại tá Hà Quốc Khanh cho biết, việc con không cùng nhóm máu hay gương mặt không giống bố mẹ nhưng vẫn cùng huyết thống là chuyện rất bình thường, bởi gương mặt không phải là biểu hiện quyết định huyết thống. Các đặc điểm biểu hiện ra bên ngoài chỉ là những kiểu hình được thể hiện thông qua gen di truyền.

Theo lý giải của đại tá Khanh, trong cơ chế di truyền về gen, các gen lặn và gen trội trong quá trình kết hợp kiểu gen của bố và mẹ có thể tạo ra những kiểu hình biểu hiện bên ngoài không giống bố, mẹ mà có thể là di truyền từ đời trước. Hay nói cách khác là di truyền gen mang yếu tố dòng tộc. “Chính vì không hiểu cơ chế di truyền này nhiều người nghi ngờ khi con có ngoại hình không giống cha hoặc mẹ. Thế nhưng kết quả xét nghiệm chạy bằng máy thì kết quả chính là câu trả lời chính xác nhất”, đại tá Khanh chia sẻ.

Sau khi nghe giải thích, anh Dũng như bừng tỉnh và vội gọi điện xin lỗi vợ và hứa sẽ đưa xe đến đón mẹ con về. Thế nhưng, sự nghi ngờ trước đó ít nhiều làm tổn thương lòng tự trọng của người phụ nữ, có thể là theo họ đến suốt cuộc đời. Vì thế, đại tá Hà Quốc Khanh cho rằng, câu chuyện của người đàn ông trên là lời nhắc nhở cho những người có suy nghĩ sai lầm về quan hệ huyết thống khi chỉ nhìn vào ngoại hình để phán quyết.