Có thể hiểu bước đi mới mà Adidas vừa thực hiện là một cách thức để thể hiện quan niệm thời trang phi giới tính, nhằm xóa nhòa đi những phân biệt cứng nhắc về giới trong lĩnh vực thời trang, thông qua một thiết kế đặc biệt có tên "Pride Swimsuit". Dù vậy, bước đi này của Adidas đang phải nhận những tranh luận trái chiều.
Nữ vận động viên bơi lội người Mỹ - Riley Gaines lên tiếng bình luận: "Tôi không hiểu tại sao người ta cần phải làm như thế này. Đáng lẽ ra chỉ cần giới thiệu rằng đây là một mẫu thời trang "unisex" (phi giới tính) thôi mà, sao phải làm tới mức này?".
Nhiều người khác cũng đang cùng quan điểm với Riley Gaines. Nữ chính trị gia người Mỹ - Nancy Mace lên tiếng bình luận: "Tôi nhớ cái thời mà nữ giới sẽ quảng cáo các mẫu đồ bơi nữ, chứ không phải nam giới".
Hiện tại, nhiều thương hiệu đình đám đang thể hiện cách nhìn nhận văn minh trong vấn đề giới tính bằng cách xóa nhòa đi những ranh giới thường thấy về nam và nữ trong lĩnh vực thời trang. Dù vậy, đây không phải một hướng đi được dư luận hoàn toàn ủng hộ. Có những người cho rằng cách thức thể hiện của một số thương hiệu đang ở mức quá đà, khiến họ cảm thấy khó đón nhận.
Trước những ý kiến tranh luận dữ dội, bài đăng của tác giả Shaun Harper trên tờ tin tức Forbes (Mỹ) đã đưa ra một góc nhìn khác xung quanh đề tài đang gây tranh cãi này. Tác giả Shaun Harper cho rằng nam giới và những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ có nhu cầu đối với đồ bơi liền thân.
Khi một món đồ đã được giới thiệu là "unisex", thì bản thân món đồ đó đã dành cho khách hàng thuộc mọi giới tính rồi. Chính vì vậy, thương hiệu thời trang đã chủ động lựa chọn người mẫu với cách thức tạo hình, phục sức không đại diện cho một giới tính cụ thể nào.
Theo tác giả Shaun Harper, những sự phản ứng tiêu cực mà một bộ phận dư luận đang hướng vào những thương hiệu có bước đi táo bạo trong cách thức quảng cáo thời trang "phi giới tính", sẽ khiến sự hiện diện của những người thuộc cộng đồng LGBTQIA+ trong đời sống văn hóa đại chúng càng trở nên hạn chế và khó khăn hơn.
Các thương hiệu có thể sẽ lo ngại rằng bước đi mà họ thực hiện là quá mạo hiểm và "lợi bất cập hại". Trong khi những bước đi như vậy là cần thiết để mở rộng quan niệm về vấn đề giới tính, để công chúng thực sự hiểu thế nào là thời trang "phi giới tính" và được tiếp xúc nhiều hơn với những nội dung cổ vũ cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBTQIA+.