Tại cuộc họp báo về hoạt động ngân hàng quý I/2023 vào ngày 31-3, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông tin NHNN đang hoàn thiện và sẽ có văn bản chính thức về cơ chế triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở công nhân.
Đây là gói tín dụng Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết đối tượng thụ hưởng gói tín dụng này dành cho cả chủ đầu tư và người mua NƠXH, nhà ở công nhân. Các dự án được vay vốn thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố và bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành. Về phía người mua nhà, để được vay vốn cần đáp ứng các điều kiện về mua NƠXH, đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng thương mại, trên tinh thần tạo điều kiện thông thoáng nhất.
Dự án nhà ở xã hội - chung cư Western Capital (quận 6, TP HCM)Ảnh: Tấn Thạnh
Bà Hà Thu Giang cũng cho biết gói tín dụng này sẽ dừng triển khai khi con số giải ngân đạt 120.000 tỉ đồng và không quá ngày 31-12-2030. Về lãi suất, đối với chủ đầu tư, sẽ thấp hơn lãi suất bình quân trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường khoảng 1,5%; đối với người mua nhà, lãi suất thấp hơn 2%. Trong năm 2023, mức lãi suất dự kiến đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua NƠXH là 8,2%/năm. Định kỳ 6 tháng/lần, NHNN sẽ công bố lãi suất cho vay của gói tín dụng này. Chủ đầu tư sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi trong 3 năm, còn người mua nhà là 5 năm.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho hay tính đến ngày 28-3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022 và tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự tính của NHNN, tín dụng năm nay vẫn sẽ tăng khoảng 14%-15%. Riêng tín dụng quý I/2023 tăng trưởng thấp do nhiều nguyên nhân tác động cả chủ quan và khách quan. Trong đó, các biến động của thị trường trong nước và thế giới đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp (DN), khiến nhiều DN gặp khó khăn dẫn tới nhu cầu vốn tín dụng của một số DN, lĩnh vực chững lại. Bên cạnh đó, đây là giai đoạn đầu năm nên một số dự án, hoạt động đầu tư bị gián đoạn bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN vẫn duy trì quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung kiểm soát lạm phát, tỉ giá. Về lãi suất, định hướng từ đầu năm của NHNN là khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, DN. Trong quý I/2023, các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất đối với cả tiền gửi và tiền vay.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất để hỗ trợ DN.
Điều chỉnh giảm các mức lãi suất
Ngày 31-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành các quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Đây là lần thứ hai trong tháng 3, NHNN giảm lãi suất điều hành, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, NHNH quyết định lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.
Về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VNĐ) của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN ngày 17-3-2014, NHNN quyết định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016, được điều chỉnh giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
NHNN cũng quyết định mức lãi suất tiền gửi bằng VNĐcủa Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm. Ngoài ra, mức lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tại NHNN giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.
B.T.Q
Theo Người Lao Động