Sống thử dẫn đến nguy cơ ly hôn cao

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Denver (Mỹ), sống thử là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ kết hôn giảm, ly hôn tăng.

Nhiều đôi vợ chồng ly hôn do "vội" sống chung mà không lên kế hoạch tương lai rõ ràng. Ảnh minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels.

Khoảng một nửa đến 2/3 người Mỹ tin rằng sống chung trước khi kết hôn là tiền đề giúp các cặp đôi xây dựng mối quan hệ lâu dài, theo Deseret News.

Tuy nhiên, báo cáo được đăng tải cuối tháng 4 trên Institute for Family Studies, dựa trên cuộc khảo sát 1.621 người của YouGov năm 2022, kết luận thực tế, sống thử dẫn đến nguy cơ ly hôn cao hơn, ngoại trừ vài trường hợp đã đính hôn trước đó.

Ngoài ra, cách thức và thời điểm cặp đôi bắt đầu ở chung có thể gây ảnh hưởng xấu đến giai đoạn hôn nhân.

So với nhóm người chung sống sau khi đính hôn hoặc kết hôn, hôn nhân của các đôi vợ chồng còn lại có khả năng tan vỡ cao hơn 48%.

"Vì không vạch ra những kế hoạch và cột mốc quan trọng trong mối quan hệ, họ thường đốt cháy các giai đoạn và gặp nhiều khó khăn", Galena K. Rhoades, GS tâm lý học tại Đại học Denver, tác giả báo cáo, chia sẻ.

Nhiều cặp đôi phải đảm nhận không ít công việc mà họ chưa thực sự sẵn sàng, ví dụ như lên chức bố mẹ.

Báo cáo cũng tiết lộ hiện nay có khoảng 70% cặp đôi sống thử trước khi cưới. Đồng tác giả nghiên cứu, Scott M. Stanley, cho biết sống thử không còn là một phần của văn hóa hôn nhân và đã trở thành giai đoạn hẹn hò của các cặp đôi.

“Sẽ tốt hơn nếu các cả hai dọn đến ở chung sau khi kết hôn hoặc ít nhất là đính hôn”, ông chia sẻ.

Theo báo cáo, từ cuối những năm 1990, hơn 60% học sinh trung học ở Mỹ đồng tình với quan điểm “cùng chung sống trước khi kết hôn là ý kiến ​​hay để tìm hiểu xem liệu hai người có thực sự hòa hợp với nhau”.

Song thu anh 1

Những cặp đôi quyết định sống thử một cách hời hợt thường phải đối mặt với nhiều khó khăn phát sinh. Ảnh minh họa: Jcomp/Freepik.

Thực tế, khoảng cách giữa sống thử và kết hôn đang ngày càng gia tăng. Xu hướng sống chung trở nên phổ biến hơn, dẫn đến tình trạng một người có thể từng sống thử với nhiều người khác. Điều này là yếu tố liên quan đến việc tỷ lệ kết hôn giảm, ly hôn tăng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những người sống thử nhiều lần là nhóm đối tượng ít có khả năng kết hôn nhất.

Chia sẻ về lý do quyết định sống chung, 44% người tham gia khảo sát mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho đối phương, trong đó 23% sau này đã ly hôn.

Vì vấn đề tài chính, khoảng 22% cặp đôi cũng đưa ra lựa chọn dọn về ở với nhau. Tỷ lệ chia tay ở những trường hợp này là 40%.

Với mong muốn kiểm tra, xác định rõ mối quan hệ của mình, 17% quyết định sống thử và sau đó 1/3 trong số này ly hôn.

Ngoài ra, trong 17% cảm thấy sống xa nhau là “bất tiện”, 29% đã ly dị.

Galena cho hay: “Sống chung tạo ra nhiều ràng buộc và khó khăn hơn, ví dụ như hợp đồng thuê nhà, mối quan hệ xã hội,... Những vấn đề này sẽ được các cặp đôi tiếp nhận theo một cách khác nếu họ đã thực sự muốn bên nhau lâu dài, tiến đến hôn nhân”.

Các nhà nghiên cứu lưu ý sống thử không giúp xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững, thay vào đó mọi người nên “sống” chậm lại, cân nhắc các trình tự đúng đắn trong một mối quan hệ.

Những lý do như sống thử để xác định mối quan hệ hay tiết kiệm tiền nên bị gạt bỏ ngay từ đầu.

Nhiều cặp đôi đã ở chung mà chưa quyết định liệu họ có kết hôn hay không. Galena cho rằng các cả hai nên nghiêm túc trao đổi về lý do họ ở bên nhau và kế hoạch tương lai, các vấn đề liên quan đến hôn nhân.

“Nếu lo lắng về cuộc hôn nhân của mình, về những chuyện khác của hai người trong quá khứ hoặc hiện tại, hãy nhanh chóng giải quyết vấn đề đó”, báo cáo nhấn mạnh.