"Tác động vật lý" với vợ, cán bộ thuế bị phạt 15 triệu đồng

Trong lúc cãi nhau, ông T.V.T. dùng đèn pin gắn ắc quy tự chế "vung" vào người vợ.

Thông tin từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký quyết định xử phạt hành chính ông T.V.T. (44 tuổi, trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) 15 triệu đồng về hành vi "sử dụng các công cụ phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên trong gia đình". 

Cụ thể, trong quá trình cãi nhau, người đàn ông này cầm bình ắc quy tự chế có nối với đèn chiếu sáng "vung trúng người vợ". Hành vi của ông T. không đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự nên Công an huyện Thanh Chương đã báo cáo vụ việc gửi Công an tỉnh Nghệ An. Cơ quan công an sau đó có công văn gửi UBND tỉnh này đề xuất xử lý vụ việc vi phạm hành chính.

Tác động vật lý với vợ, cán bộ thuế bị phạt 15 triệu đồng - 1

Cán bộ Chi cục Thuế bị phạt 15 triệu đồng vì "tác động vật lý" với vợ (hình minh họa).

"Bình thường, vợ chồng ông T. chung sống hòa thuận, không có điều tiếng gì. Sau khi sự việc xảy ra, hai vợ chồng đã làm hòa", nguồn tin từ chính quyền nơi ông T. cư trú cho hay.

Căn cứ Nghị định 144/202/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An xử phạt ông T. với mức tiền nói trên.

Ngoài xử phạt hành chính 15 triệu đồng, ông T. không bị áp dụng hình thức phạt bổ sung hay khắc phục hậu quả.

Được biết, ông T.V.T. hiện đang công tác tại một Chi cục thuế cấp huyện.

Theo điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:

Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.