Nữ giới trong độ tuổi 30-39 không thất nghiệp tăng 16 tháng liên tiếp kể từ tháng 12/2021. Ảnh: Kpopmap. |
Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc và Dịch vụ tích hợp Microdata công bố hôm 7/5, số lượng lao động nữ trong độ tuổi 30-39 đạt 2,17 triệu người, tăng 108.000 người so với một năm trước. Trong khi đó, nhóm nam giới ở cùng độ tuổi ghi nhận 3,12 triệu người, giảm khoảng 84.000 lao động.
Ngoài ra, số người 30 tuổi có việc làm đã tăng lên 24.000 vào tháng 4/2023. Dữ liệu trên cũng cho thấy phụ nữ trong độ tuổi 30-39 không thất nghiệp đã tăng 16 tháng liên tiếp kể từ tháng 12/2021, nhưng nhóm còn lại giảm 14 tháng kể từ tháng 2/2022.
“Gần đây, nhờ sự gia tăng công việc trong ngành y tế và phúc lợi, trong đó y tá, trợ lý y tá chiếm tỷ trọng lớn, đã thúc đẩy mọi người gia nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, số lượng lao động nam lại giảm vì tuyển dụng về sản xuất và xây dựng đang chậm lại”, đại diện Statistics Korea cho biết.
Theo Korea Herald, ngành y tế và phúc lợi ở Hàn Quốc đang cần nhiều nhân viên hơn do đại dịch, cộng với nhu cầu về người chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, đặc biệt là tại các cơ sở giúp đỡ người cao tuổi.
Những bà mẹ quay lại công ty sau thời gian nghỉ ở nhà do sự bùng phát của Covid-19 đã góp một phần giúp cải thiện lực lượng lao động nữ.
Thêm vào đó, các báo cáo địa phương chỉ ra rằng tỷ lệ hôn nhân và sinh sản giảm cũng có liên quan đến việc phụ nữ tiếp tục sự nghiệp của họ.
Ngoài ra, theo ý kiến từ quan chức Cục Thống kê Hàn Quốc, việc tăng độ tuổi trung bình mà nữ giới kết hôn lần đầu và mang thai đã tác động đến tổng số người đi làm ở xứ kim chi.
Tỷ lệ phụ nữ ở Hàn Quốc có việc làm tăng mạnh. Ảnh: Jean Chung/New York Times. |
Tháng 4/2023, tỷ lệ tham gia thị trường lao động của phụ nữ ngoài 30 tuổi là 69,2%, 67,1% trong đó có việc làm. Cả 2 chỉ số đều tăng khoảng 4% so với năm 2022.
Theo các chuyên gia, đây là một tín hiệu đáng mừng. Trước đây, hơn 1/6 phụ nữ sau khi lấy chồng ở xứ kim chi phải nghỉ việc. Phần lớn lý do khiến họ làm vậy là vì bận rộn việc nuôi con và chăm sóc gia đình.
Có 27,4% người nộp đơn từ chức khi kết hôn, 22,1% tiếp theo là do mang thai và sinh con, Korea Times đưa tin.
Những người từ 30-39 tuổi đứng đầu danh sách với 45,2%, theo sau đó là nhóm tuổi 40-49 ở mức 40%.
Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy tính đến tháng 4/2021, số bà mẹ đang đi làm có con dưới 18 tuổi là 2,61 triệu người, giảm 66.000 người so với năm trước. Tỷ lệ việc làm dành cho người đã lập gia đình đạt 61,1%.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt để thoát cảnh thất nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài và giá nhà đất tăng chóng mặt, nhiều người đã rời xa ba cột mốc quan trọng: hẹn hò, đám cưới và sinh con.
Họ coi mình là một phần của xu hướng "honjok" - được ghép từ "hon" (một mình) và "jok" (chỉ một nhóm người).
Nhóm theo đuổi lối sống này không quan tâm đến đánh giá của người khác. Họ muốn xây dựng cuộc sống độc thân một cách tự nguyện, hạnh phúc và chọn sự nghiệp của mình thay vì kết hôn, con cái.
Theo New York Times, hàng triệu phụ nữ trẻ đã cùng từ chối quyền làm mẹ, phong trào được gọi là “đình công sinh nở”. Điều đó dẫn đến xứ củ sâm ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp.