Ghế rồng, biểu tượng của quyền uy
Tử Cấm Thành vốn là khu phức hợp cung điện ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, với tổng diện tích lên tới 720.000 m2. Đây là nơi ở của giới hoàng tộc thuộc hai triều đại phong kiến nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời là trung tâm chính trị của Trung Quốc suốt 500 năm.
Bên trong Tử Cấm Thành gồm hơn 9.000 căn phòng được chia thành 3 đại điện lớn, gồm điện Thái Hòa, điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa. Tiếp đó mới tới chốn Hậu cung là nơi ở của các phi tần.
Trong đó, điện Thái Hòa là nơi các Hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh dùng để thiết triều, bàn chính sự. Ngay giữa điện là chiếc ghế rồng bố trí ở khu vực trung tâm, được những người thợ lành nghề nhất thời bấy giờ thiết kế tinh xảo, tượng trưng cho quyền uy Thiên tử. Sử sách Trung Hoa từng ghi lại, chỉ những bậc "Chân mệnh thiên tử" mới được phép ngồi lên ghế rồng. Những kẻ khác nếu mạo phạm sẽ bị trừng trị đích đáng.
Chất liệu tạo nên ghế rồng không phải loại gỗ thông thường. Người xưa sử dụng thứ gỗ có lõi vàng, mùi thơm đặc trưng và đạt độ bền cao. Loại gỗ này có khả năng tồn tại thời gian dài nên còn dùng làm quan tài phục vụ cho giới quý tộc và quan lại thời xưa.
Do trải qua nhiều biến cố lịch sử và các thời đại thay đổi, việc sửa chữa ghế rồng khó khôi phục đúng hiện trạng như ban đầu. Theo đại diện Bảo tàng Cố Cung ở Tử Cấm Thành, muốn sửa chữa lỗi nhỏ của ghế rồng cần rất nhiều thời gian. Đến nay, món báu vật này vẫn được trưng bày ở điện Thái Hòa và không mở cửa cho du khách tới tham quan.
3 người chết khi ngồi vào ghế rồng
Tài liệu cổ Trung Hoa có nhắc tới chi tiết ghế rồng là bảo vật rất linh thiêng vốn chỉ dành cho người có thân phận cao quý, là bậc Thiên Tử (tạm dịch: con trời). Những người bình thường khác từng ngồi lên đều nhận kết thúc giống nhau.
Người đầu tiên chính là Lý Tự Thành. Người này sau khi lật đổ nhà Minh đã lên ngôi hoàng đế, bá chủ thiên hạ. Thế nhưng, Lý Tự Thành chỉ làm hoàng đế được hơn 40 ngày thì bị Ngô Tam Quế cướp ngôi. Sau này, Lý Tự Thành đã qua đời một cách bí ẩn.
Theo sử Trung Quốc ghi lại, Lý Tự Thành mất vào năm Thuận Trị thứ ba (1645) và không ai rõ ông qua đời như thế nào. Minh sử viết lại rằng, Lý Tự Thành là người tự cao tự đại và hung ác, hoàn toàn không xứng đáng với ngôi vị Hoàng Đế nên phải chịu lời nguyền của chiếc ghế rồng. Những ngày cuối đời, Lý Tự Thành bỗng dưng bị bệnh lạ, tâm trí cuồng dại và chết bí ẩn trong núi.
Người thứ 2 chính là Viên Thế Khải. Sau khi uy hiếp được hoàng đế nhà Thanh và tìm mọi cách đăng cơ làm hoàng đế (lúc đó gọi là Đại tổng thống lâm thời), nhưng chỉ trị vì trong 83 ngày đã qua đời một cách bí ẩn. Cái kết bi thảm của Viên Thế Khải được cho là giống với Lý Tự Thành bởi lẽ từ ngày tạo phản cướp ngôi đã phải chịu lời nguyền của chiếc ghế rồng.
Sử học ghi lại, hành sự trái ý trời là đại nghịch bất đạo, Viên Thế Khải mỗi lần ngồi vào Ngai vàng đều rối loạn, đêm mất ngủ và hay gặp ác mộng. Vì ông cảm thấy tức giận với những thứ ảo ảnh không có thật và không thể tự mình giải quyết nên đã suy kiệt mà qua đời.
Người thứ 3 qua đời một cách bí ẩn chính là thủ lĩnh đứng đầu Liên quân 8 nước - Waldersee. Tương truyền rằng, khi liên minh 8 nước vào xâm chiếm Trung Quốc, Waldersee đã ngồi trên Ngai vàng với cảm giác tò mò. Không lâu sau, thủ lĩnh này cũng đã chết một cách bất minh.
Truyền thông quốc tế cho rằng, ông qua đời vì bệnh tật nhưng cái chết này lại khiến mọi người nghi ngờ chính ông cũng chịu lời nguyền từ chiếc ghế rồng. Bởi lẽ, chiếc ghế rồng ấy không phải là nơi mà người thường có thể ngồi được, nó chỉ dành cho những chân mệnh thiên tử đích thực.
Sự thật về lời nguyền gây ra những cái chết bí ẩn
Trước 3 cái chết đầy bí ẩn và vô lý này, người dân đồn đại nhau rằng ghế rồng thực sự vô cùng linh thiêng và nó có sức mạnh loại trừ kẻ gian, kẻ không có đủ quyền năng trị vì đất nước. 3 cái tên ở trên chính là minh chứng cho việc ghế rồng có quyền định đoạt số mệnh của con người, nhất là những ai có ý định lăm le muốn lên ngôi dù biết mình không phải là chân mệnh thiên tử xứng đáng được ngồi lên ngai vàng.
Cũng có ý kiến lại cho rằng, thực chất 3 người này đều xuất hiện ở thời mà chiến tranh vô cùng loạn lạc và là người cầm đầu các phong trào lật đổ chính quyền cũ, xây dựng nên đế chế mới nên việc bị mưu sát cũng rất dễ xảy ra. Có điều trùng hợp thay chính là họ từng ngồi lên ngai vàng của vua nên người dân cứ thế đồn đại và thêu dệt nên câu chuyện ly kỳ, rùng rợn này.
Sự bí ẩn về ghế rồng trong Tử Cấm Thành đến nay vẫn còn rất nhiều khúc mắc, khiến người đời tiếp tục truyền tai nhau những giai thoại gây ra 3 cái chết "bất đắc kỳ tử" đối với người không phải là thiên tử dám ngồi lên ngai vàng của vua chúa Trung Quốc thời phong kiến. Đến nay, vẫn chưa ai có thể giải đáp được bí ẩn về những cái chết trên nên nó còn tồn tại mãi cho tới sau này.
Linh Chi (T/h)