Chú bé loắt choắt là nhân vật quen thuộc trong bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu, xuất hiện trong chương trình ngữ văn cấp 2. Rất nhiều người đã yêu thích hỉnh ảnh chú bé và thuộc lòng bài thơ này. Thông qua nhân vật Lượm, nhà thơ đã phác họa hình ảnh các em bé thiếu niên làm công tác liên lạc trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Đất nước.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, một đoạn rap chế lời do 2see thực hiện và DJ FWIN phối nhạc đã được đưa lên TikTok, làm cho bài thơ mất đi ý nghĩa cao quý của nó. Cụ thể, trong đó xuất hiện một câu có tính miệt thị hình tượng lịch sử chú bé loắt choắt với nội dung “chú bé loắt choắt-cái đầu cắt moi” và đi kèm rất nhiều ca từ nhảm nhí khác. Ngoài ra, clip minh họa còn xuất hiện nhiều hình ảnh rất phản cảm, đó là các em học sinh đi quậy phá trong lớp, rồi cong mông tạo dáng, cùng nhiều tư thế phản cảm khác.
Ngay lập tức clip này trở thành trending và được lan truyền mạnh mẽ trên TikTok trong những ngày qua. Mặc dù sau đó clip gốc đã được tác giả gỡ xuống, nhưng như mọi lần, ngay lập tức xuất hiện hàng trăm tài khoản khác đăng lại nội dung bài rap này, đi kèm đó là những hình ảnh rất phản cảm, dung tục. Thậm chí ngay chính TikTok còn đưa lên xu hướng tìm kiếm và xuất hiện thêm cả xu hướng trong gợi ý người dùng đang tìm kiếm, với nội dung “chubeloatchoat bổ mắt”, với các clip hình ảnh đi kèm bài rap chế lời là những cô gái ăn mặc gợi dục, khoe mông, khoe ngực… được các tài khoản đăng lên trên nền tảng.
Gợi ý xu hướng tìm kiếm về bài rap chú bé loắt choắt và hình ảnh gợi dục từ các clip được người dùng đăng tải trên TikTok - Ảnh chụp màn hình
Theo ghi nhận của VietNamNet, đến tối ngày 25/4, hashtag #chubeloatchoat đã có tới 21,9 triệu lượt xem trên nền tảng này.
Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông liên tục phản ánh và lên án việc TikTok lan truyền các nội dung độc hại, phản cảm, thậm chí xúc phạm cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước và có thể nói mạng xã hội này đang là một vấn nạn. Hay tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT vào ngày 6/4 vừa qua, Bộ TT&TT cũng chỉ ra 6 sai phạm nghiêm trọng của TikTok như: không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí gây nguy hiểm với trẻ em; việc sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng (trend) nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ; không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; không quản lý hoạt động của các idol TikTok nên để nhiều idol có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa; không có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm bản quyền; không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác. Đồng thời Bộ TT&TT cũng đưa kế hoạch thanh tra toàn diện nền tảng trong tháng 5/2023 tới.
Thế nhưng, trên TikTok nội dung “bẩn”, độc hại vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm và được lan truyền một cách chóng mặt nhờ thuật toán gợi ý xu hướng của nền tảng. Bên cạnh đó, TikTok cũng đang tiếp tục “dung túng” cho các nội dung này tồn tại một cách ngang nhiên, mà chưa có các biện pháp mạnh để sàng lọc. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần phải có các biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn những nguy hại mà mạng xã hội này gây ra cho xã hội.
Lê Mỹ