Sai phạm của cá nhân không nên quy kết cho cả ngành y tế

Admin
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho rằng sai phạm của các cá nhân cán bộ CDC Hà Nội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của ngành Y tế, phủ nhận mọi đóng góp, hy sinh của ngành trong công tác chống dịch COVID-19.
Như đã đưa tin, chiều 22/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
 
7 người đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Đáng chú ý, trong số này có 3 người là cán bộ CDC Hà Nội, bao gồm PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội, Nguyễn Vũ Hà Thanh - Trưởng phòng Tài chính kế toán và Lê Xuân Tuấn - nhân viên Phòng Tài chính kế toán (CDC Hà Nội).
 
4 người còn lại thuộc một số đơn vị có liên quan gồm: Đào Thế Vinh - Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST), Nguyễn Trần Duy - Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Nguyễn Ngọc Nhất - nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền - nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
 
Sai phạm nâng khống giá máy xét nghiệm của cán bộ CDC Hà Nội đã phủ nhận mọi hy sinh của ngành Y tế
 

Nâng khống hơn 7 tỷ đồng/hệ thống xét nghiệm COVID-19

 
Theo nguồn tin ban đầu từ phía C03, các cán bộ CDC Hà Nội và những bị can khác đã có hành vi cấu kết, thông đồng để nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - hệ thống xét nghiệm COVID-19. Hành vi này đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.
Được biết, từ đầu năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 ngày càng tăng, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động, bao gồm các máy tách chiết mẫu, máy phân tích mẫu, phụ tùng và chi phí bảo trì từ các doanh nghiệp
 
Do thời gian gấp nên việc mua sắm thiết bị này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu thay phải đấu thầu. Hành vi này là hợp phát vì Luật Đấu thầu cho phép gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách nằm trong nhóm được chỉ định thầu. Tuy nhiên điều này đã trở thành một kẽ hở để một số cán bộ CDC lợi dụng trục lợi.
 
Theo thông tin được cung cấp trên báo chí, các hệ thống Realtime PCR tự động đã được CDC Hà Nội đưa vào với giá hơn 7 tỷ đồng/hệ thống. CDC Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành.
 
Tuy nhiên qua xác minh cho thấy các hệ thống Realtime PCR tự động đã được đẩy giá lên quá cao so với giá thị trường. Một nhà cung cấp thiết bị xét nghiệm vào loại lớn trên thị trường cho biết, giá một hệ thống xét nghiệm Realtime PCR như của CDC Hà Nội mua không quá 4 tỷ đồng. Có thể thấy, CDC Hà Nội và các doanh nghiệp đã móc ngoặc, để gian lận đẩy giá lên cao nhằm trục lợi khoản chênh lệch.

"Sai phạm này đã phủ nhận mọi sự hy sinh, đóng góp của ngành Y tế"

 
Về những sai phạm của các cán bộ CDC Hà Nội, ông Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của ngành Y tế cho biết rất buồn và đau lòng khi nghe về vụ việc.
 
"Chúng ta đang tiến rất gần đến chiến thắng trong cuộc chiến với bệnh dịch COVID-19, để xảy ra vụ việc này cá nhân tôi nghĩ rằng, các cấp lãnh đạo rất đau lòng đặc biệt là Bộ Y tế và thành phố Hà Nội", ông Nguyễn Anh Trí cho biết.
 
Theo vị ĐBQH khóa XIV, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp mà xảy ra vụ việc này quá nghiêm trọng. Sai phạm này đã phủ nhận mọi sự hy sinh, đóng góp của toàn ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch.
 
"Những cá nhân như vậy làm ảnh hưởng ghê gớm đến danh dự, uy tín, giá trị sự đóng góp ngành y tế", ông Trí nhận định.
 
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ, mong muốn xã hội nhìn nhận đúng vấn đề, sai phạm của cá nhân không nên quy kết cho cả ngành y tế. Trong thành tích chung về phòng chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua thì công lao lớn vẫn là các cán bộ, nhân viên ngành Y tế, trong đó có đóng góp quan trọng của lực lượng CDC.
 
Sai phạm nâng khống giá máy xét nghiệm của cán bộ CDC Hà Nội đã phủ nhận mọi hy sinh của ngành Y tế
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí
 
Trong khi đó Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) bày tỏ quan điểm cần phải trừng trị kịp thời, thích đáng các đối tượng có hành vi vô tâm, vô đạo đức trong bối cảnh hàng ngàn cán bộ nhân viên y tế và nhân dân cả nước đang gồng mình, đồng lòng chống dịch.
 
"Khi cả nước, nhân dân đang đồng lòng, chung sức để chống lại dịch bệnh COVID-19 thì lại xảy ra một sự việc như vậy là quá đau lòng", ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết.
 
Vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, dù dịch bệnh COVID-19 khiến người dân rất hoang mang, cuộc sống bị đảo lộn mọi người vẫn đồng lòng, đóng góp bằng các hành động cụ thể và cả vật chất như hình ảnh cụ già đạp xe đến nơi cách ly để tặng từng cân gạo, bó rau; em bé đập heo đất lấy tiền tiết kiệm ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch...
 
Ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã phải bỏ ra để mua các trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19, đáng lẽ các cán bộ khi được giao nhiệm vụ phải cố gắng mua thiết bị tốt, giá rẻ để nhà nước và nhân dân được nhờ thì lại câu kết để nâng khống, trục lợi, đó là việc làm phi đạo đức, vô lương tâm:
 
"Tôi cho rằng, lực lượng công an vào cuộc điều tra, truy tố là rất kịp thời, người dân rất ủng hộ. Người dân mong muốn luật pháp trừng trị những con người này một cách thích đáng để phòng ngừa, răn đe đối với những đối tượng khác".
 
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội ngày 17/4. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội đã chỉ đạo Công an TP và ngành công thương thường xuyên đi kiểm tra, xử lý các đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế tăng giá. Tuy nhiên vẫn diễn ra tình trạng này ở nhiều nơi và không loại trừ có sai sót của các đơn vị mua sắm và CDC Hà Nội.
 
"Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm. Không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Trong hoàn cảnh dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng. Trên cơ sở báo cáo của Sở Y tế, thành phố sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận. Nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương".
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/04/23/Sai-pham-nang-khong-gia-may-xet-nghiem-cua-can-bo-CDC-Ha-Noi-da-phu-nhan-moi-hy-sinh-cua-nganh-Y-te-th_23042020154213.mp4[/presscloud]
Bắt Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm
 
 
Kiều Đỗ (t/h)