Theo UNICEF, hơn 33 triệu trẻ em đã bị ảnh hưởng từ đợt nắng nóng khắc nghiệt năm nay. Ảnh: UNICEF. |
Khi nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến 38 độ C vào tháng 4, Sek Sella - 11 tuổi, đang học ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia - nhanh chóng được cho nghỉ học về nhà.
Giống như hàng trăm triệu trẻ em trên khắp Nam và Đông Nam Á, Sek Sella phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có vì nắng nóng kỷ lục. Chẳng hạn như trường học đóng cửa, các buổi học và hoạt động ngoại khóa bị hủy hoặc gián đoạn.
“Việc học năm nay rất khó khăn”, Sella chia sẻ, đồng thời nói thêm rằng không khí ngột ngạt và các lớp học kém thông thoáng là điều khó chịu nhất khi đi học.
“Lớp học của chúng tôi không có điều hòa”, Sella chia sẻ. Lớp học của Sella có 43 học sinh và việc các em làm nhiều nhất trong giờ học là chuyền tay nhau những chiếc quạt cầm tay để làm mát. “Nó rất khó chịu và bức bối. Có khi, tôi cảm thấy da mình bỏng rát dù đang ngồi trong lớp”.
Chiếc quạt cầm tay là thiết bị làm mát quen thuộc của học sinh ở khu vực châu Á trong mùa nóng. Ảnh: Palash Khan.
Chiếc quạt cầm tay là thiết bị làm mát quen thuộc của học sinh ở khu vực châu Á trong mùa nóng. Ảnh: Palash Khan. |
Những đợt nắng nóng nguy hiểm tấn công Bangladesh trong tháng 4 vừa qua làm nhiều trường học phải đóng cửa. Theo CNN, nhiều trường học ở đây thiếu các thiết bị làm mát như quạt và điều hòa để bảo vệ học sinh khỏi tình trạng mất nước, đau nửa đầu hay say nắng. Các tổ chức bảo vệ trẻ em như Save the Children và UNICEF xác định có hơn 33 triệu trẻ em bị ảnh hưởng vì nắng nóng khắc nghiệt.
Trẻ em nghèo phải chịu đựng nhiều nhất
Theo UNICEF, nạn nhân lớn nhất của nắng nóng tàn khốc là trẻ em nghèo ở các vùng nông thôn. Bởi lẽ, gia đình của các em thường không đủ tiền mua các thiết bị phục vụ cho việc học từ xa.
“Thật không dễ dàng gì khi lớn lên ở một đất nước nóng bức như Bangladesh. Trẻ em ở đây phải đối mặt với nhiệt độ cao như lò lửa hàng ngày”, Sheldon Yett, đại diện của UNICEF ở khu vực, cho biết.
“Năm nay nóng hơn năm ngoái và hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ còn tồi tệ hơn trong tương lai”, Yett nói. “Bên cạnh những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, chúng ta không nên phớt lờ nhu cầu học tập của trẻ em. Đặc biệt là khi việc học của các em vừa bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề”.
Học sinh được khuyến khích uống nhiều nước và mặc trang phục sáng màu trong mùa nóng. Ảnh: Praveer Das.
Học sinh được khuyến khích uống nhiều nước và mặc trang phục sáng màu trong mùa nóng. Ảnh: Praveer Das. |
Liên Hợp Quốc và các cơ quan của tổ chức này cho biết các nước đang phát triển phải gánh chịu thời tiết cực đoan kéo dài như sóng nhiệt, lốc xoáy, bão và lũ lụt nghiêm trọng hơn các nước khác.
“Mọi trẻ em đều có quyền sống trong một môi trường lành mạnh và an toàn”, Yett khẳng định. “Chúng tôi muốn thấy trường học mở cửa và dạy học cho học sinh. Tuy nhiên, mọi thứ cần được thực hiện dựa trên tiền đề là các em được an toàn”.
Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục ở Campuchia và Philippines nói rằng tháng 3 và 4 là thời điểm “khó khăn với các trường học”.
“Chúng tôi không cho phép học sinh ra ngoài khi nhiệt độ quá cao”, Bong Semreth, giáo viên ở Phnom Penh, cho biết. “Tuy nhiên, lớp học lại không có điều hòa hay quạt, do đó không khí vẫn nóng bức và khó chịu”.
Ông Semreth cho biết thêm ông thường thấy đồng phục của học sinh thấm đẫm mồ hôi khi các em ngồi học. “Chúng tôi đã cố gắng hết mình để chăm sóc học sinh, đặc biệt là các em nhỏ”, ông nói.
Khoảng cách giàu nghèo gia tăng
Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động lên tỷ lệ nghèo đói và trường học ở Philippines - một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Save the Children Philippines, một tổ chức hoạt động vì quyền lợi trẻ em, cho biết khoảng cách giáo dục giữa trẻ em nghèo ở khu vực nông thôn và trẻ em thành thị ngày càng gia tăng. Một số trẻ em ở những khu vực khó khăn còn không thể đến trường và bị nắng nóng ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe.
Các thành viên của tổ chức này cũng nêu lên vấn đề học sinh không đủ nước sạch để uống ở trường học. Đồng thời, các trường còn thiếu những khu vực giải trí có bóng râm cho học sinh.
Nhiều trường học còn thiếu các thiết bị làm mát và khu giải trí có bóng râm cho học sinh. Ảnh: BCCL Vijaywada.
Nhiều trường học còn thiếu các thiết bị làm mát và khu giải trí có bóng râm cho học sinh. Ảnh: BCCL Vijaywada. |
“Các lớp học không được trang bị đồng đều”, Benjo Basas, một giảng viên xã hội học ở Manila, nhận xét. Ông nói thêm các trường học ở Philippines đã bị gián đoạn “gần như cả tháng 4” sau đợt nắng nóng. Tổng cộng, có 7 triệu trẻ em ở nước này không thể đến trường vì nhiệt độ quá khắc nghiệt.
Chia sẻ với CNN, ông cho biết học sinh không thể tập trung trong giờ học vì trời quá nóng. Đây là vấn đề “đặc biệt nghiêm trọng” vì kỳ thi cuối kỳ sắp đến.
“Hàng chục học sinh của tôi đổ bệnh vì trời quá nóng. Ngày nóng nhất ở đây, nhiệt độ cảm nhận được lên đến 51 độ C.”, Mirasol Mamaat, một giáo viên trung học ở tỉnh Pangasinan, phía Bắc Philippines, cho biết.
“Đối với một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi sẽ đến thăm nhà và cung cấp tài liệu học tập miễn phí như thời kỳ đại dịch”, cô kể.
Chính phủ cần hành động
Các chính phủ Nam và Đông Nam Á đã ban hành nhiều hướng dẫn về cách tránh say nắng và kiệt sức vì nóng. Tuy nhiên, rất ít quốc gia đưa ra kế hoạch dài hạn để giải quyết những tác động ngày càng tồi tệ của khủng hoảng khí hậu.
Trong chỉ thị gửi đến các trường công lập vào cuối tháng 4, Bộ trưởng Giáo dục Campuchia Hang Chuon Naron tuyên bố các trường học sẽ giảm hai giờ trong giai đoạn nhiệt độ hàng ngày tăng cao.
Ông khuyến nghị học sinh - sinh viên cần “uống nhiều nước” và tránh ở ngoài nắng quá lâu mà “không có biện pháp bảo vệ hoặc dụng cụ che chắn”. Học sinh được khuyên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu để khỏi bị say nắng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao.Ngày 6/5, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết chính quyền của ông đang lên kế hoạch bắt đầu năm học tiếp theo vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 3. “Điều đó sẽ tốt hơn cho trẻ em”, ông nói.
Phần lớn Nam và Đông Nam Á trải qua nhiệt độ nóng nhất vào ba tháng 4, 5 và 6 trước khi những đợt gió mùa và mưa kéo đến, mang theo luồng không khí mát lạnh và hạ nhiệt độ trong ngày.
Tuy nhiên, để thích nghi với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, theo các chuyên gia, việc đáp ứng nhu cầu của trẻ em ở những khu vực dễ bị tổn thương trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
“Chúng ta luôn nói rằng trẻ em sẽ thừa hưởng thế giới mà người đi trước để lại. Tuy nhiên, chúng sẽ thừa hưởng được gì khi thế giới sắp tan thành tro bụi?”, Joy Reyes, luật sư môi trường ở Philippines, nhận xét.
Trẻ em ở khu vực nông thôn, nơi các gia đình thường khó có điều kiện mua thiết bị học tại nhà, là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ nắng nóng. Ảnh: EPS.
|
Trẻ em ở khu vực nông thôn, nơi các gia đình thường khó có điều kiện mua thiết bị học tại nhà, là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ nắng nóng. Ảnh: EPS. |
Các chuyên gia khí hậu cho biết tác động của ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch là rất lớn. Do đó, các chính phủ cần có “sự thay đổi từ gốc rễ” về cách tạo ra năng lượng.
“Các chính phủ có trách nhiệm cung cấp năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng bền vững - không nên giao trách nhiệm đó cho các công ty hoặc cá nhân”, Glory Dolphin Hammes, Giám đốc điều hành của IQ Air, một công ty nghiên cứu trong lĩnh vực khí hậu, cho biết.
“Không khí sạch hơn, hạn chế biến đổi khí hậu là những điều chúng ta cần đảm bảo cho thế hệ tương lai”, Hammes khẳng định.
Đông Tùng