Tại Thanh Hóa:
Theo ghi nhận của phóng viên , từ đầu giờ chiều 18/9, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện mưa lớn kéo dài, đặc biệt là các huyện như: Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thạch Thành…
Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ đêm 18/9 đến ngày 21/9, địa phương này có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Tổng lượng mưa phổ biến: khu vực phía Bắc và Tây bắc 70-150mm; khu vực phía Nam và Tây nam 100-250mm, có nơi trên 300mm.
Mưa lớn tập trung vào ngày 19 và 20/9.
Tại Thừa Thiên Huế:
Ghi nhận của phóng viên , từ sáng nay (18/9) đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng. Hiện mưa lớn vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nhiều nơi trên địa bàn đã xảy ra mưa to đến rất to. Lượng mưa tại các trạm đo từ 19h ngày 17 đến 10h ngày 18/9 phổ biến 60-140mm, có nơi cao hơn như: Lăng Cô, Phú Lộc 186mm, Bạch Mã 170mm, Giang Hải, Phú Lộc 155mm.
Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, bão, trên đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều tối nay đến trưa ngày 20/9. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm.
Tại thành phố Đà Nẵng: Do ảnh hưởng của ATNĐ, trên địa bàn thành phố đã có mưa to đến rất to, gây ngập lụt tại nhiều tuyến đường.
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã cho học sinh trên địa bàn nghỉ học từ chiều 18 đến hết ngày 19/9.
Một số khu dân cư trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) - "điểm nóng" ngập của Đà Nẵng - đang có dấu hiệu ngập úng.
Theo bản tin lúc 14h của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, trên đất liền từ gần sáng ngày 19/9, các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu, Hải Châu, Cẩm Lệ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; huyện Hòa Vang có gió mạnh dần lên cấp 4-5, giật cấp 6-7.
Từ chiều nay (18/9) đến ngày 20/9 tại thành phố Đà Nẵng có mưa to đến rất to ở các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phổ biến 130-250mm, có nơi trên 300mm; quận Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang phổ biến 120-220mm...
Ngày 18-19/9 do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, bão ở khu vực đất liền và vùng biển thành phố Đà Nẵng cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông kèm tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
Tại Quảng Nam: Từ trưa 18/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trời bắt đầu có mưa to đến rất to. Tại thành phố Tam Kỳ, mưa xối xả, đường phố vắng bóng người qua lại.
Theo quan sát của phóng viên, từ 11h ngày 18/9, do ảnh hưởng của ATNĐ sắp mạnh lên thành bão trên biển Đông, tại địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to.
Mưa xối xả khiến nhiều tuyến phố như: Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Lý Thường Kiệt… ngập cục bộ.
Mặc dù mưa to nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - cho biết, sở đã giao nhiệm vụ tùy tình hình cụ thể, hiệu trưởng báo cáo cấp trên trực tiếp, thống nhất cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, không cho nghỉ học đồng loạt.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam - cho biết, địa phương chủ động ứng phó với ATNĐ, lực lượng chức năng đã yêu cầu tàu thuyền tạm dừng ra đảo Cù Lao Chàm và ngược lại để đảm bảo an toàn.
Chính quyền thành phố yêu cầu người dân liên tục theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến để chủ động ứng phó ATNĐ.
"Các phương án ứng phó với tình huống thiên tai đã được ban hành. Chúng tôi tăng cường tuyên truyền đến người dân nắm thông tin diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, tránh thiệt hại", Chủ tịch UBND thành phố Hội An nói.
Riêng với các di tích, Hội An đã có phương án chằng chống, bảo vệ để đảm bảo an toàn.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố tập trung theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin diễn biến ATNĐ, bão, mưa lũ để chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp.