Những bài khí công đơn giản giúp cân bằng năng lượng, phòng chữa bách bệnh

Admin
Bài tập khí công ra đời tại Trung Quốc giúp kiểm soát khí, cân bằng lại dòng năng lượng trong cơ thể. Khi có sự cân bằng đó thì cơ thể sẽ có sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Ngày nay, con người hầu như bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống, làm việc với cường độ cao, ăn vội, sống vội… sống trong điều kiện mà từ thức ăn, nước uống đến không khí hít thở cũng bị ô nhiễm. Thực tế cho thấy, tinh thần và sinh lý có liên hệ mật thiết với nhau. Cuộc sống khẩn trương gây áp lực tâm lý sẽ làm suy giảm chức năng miễn dịch, đồng thời làm thay đổi nội tiết tố. Tâm thần bất an, tâm tình nóng vội, là căn nguyên dẫn đến bị bệnh và tử vong. Phương pháp luyện khí công có thể giúp chúng ta cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm áp lực, an tĩnh nội tâm, thân thể thăng bằng. Vì vậy từ ngàn đời nay, con người đã coi đây là phương pháp tự chữa bệnh phù hợp nguyên tắc khoa học.

Lâu nay, người ta vẫn thường nói đến khí công và những người luyện tập theo trường phái này như một môn thể thao để trị bệnh và rèn luyện sức khỏe. Khí công là một thuật ngữ của Trung Quốc dùng để chỉ nhiều hệ thống luyện tập vật lý và tâm thần để bảo vệ sức khoẻ, luyện võ và để tự giác ngộ. Khởi thủy của khí công bắt nguồn từ Đạo gia từ cách đây hơn 2.500 năm. Theo các kết quả nghiên cứu khảo cổ mới đây, các dấu tích liên quan đến khí công đã có mặt trên Trái Đất từ cách đây hơn 7.000 năm.

Thập nhị đoạn cẩm phòng chữa bách bệnh

 

Bai-tap-khi-cong-ho-tro-chua-benh

 

Phương pháp này gồm 12 động tác được coi là bài tập dùng để trị bách bệnh ở Trung Quốc. Ngày nay, Thập nhị đoạn cẩm là một trong những bí quyết giữ sức khỏe, nâng cao tuổi thọ của nhiều người. Nếu tập luyện thường xuyên, lâu dài sẽ có tác dụng hoạt huyết thông khí, khai thông kinh lạc, trừ khử các loại bệnh tật kéo dài tuổi thọ.
 
Cách tập luyện
 
Động tác thứ nhất: Cắn răng, hai hàm răng trên và dưới đánh cập nhẹ nhẹ  vào nhau. Lặp lại 36 lần.
 
Động tác thứ 2: Nuốt nước bọt, khi tập luyện phải thanh tâm tĩnh khí, lấy đầu lưỡi quét quanh hàm từ phải sang trái, từ trên xuống dưới làm nước bọt ra đầy mồm, súc miệng 36 lần, nuốt nước bọt làm 3 lần và đưa ý niệm đem nước bọt đó về phía đan điền.
 
Động tác thứ 3: Xoa mặt, hai tay xoa vào nhau cho nóng lên, rồi xoa lên mặt, từ cánh mũi ra hai bên má, lên hai bên thái dương, lại kéo xuống cằm. Lặp lại nhiều lần, xoa đến khi nóng là được.
 
Động tác thứ 4: Gõ trống trời (Gõ trống tai). Hai tay ép lên hai tai, ngón tay trỏ đặt lên trên ngón tay giữa, dùng lực bật mạnh xuống đầu( sau não), lặp lại 24 lần.
 
Động tác thứ 5: Lay động huyệt cao hoang(Động huyệt cao manh). Hai vai chuyển động quay đi quay lại 36 lần.
 
Động tác thứ 6: Đỡ trời, hai tay đan vào nhau, sau khi hít đầy khí, nín thở, đồng thời 2 bàn tay bật ngửa đưa lên hướng lên trời, sau đó từ từ bỏ xuống, lặp lại 3 lần.
 
Động tác thứ 7: Khai cung phải trái. Nín hơi, tay trái đưa thẳng ra phía trước, tay phải làm động tác co lại như kéo sợi dây cung. Tay phải tay trái đổi động tác cho nhau, lặp lại 3 lần.
 
Động tác thứ 8: Xoa đan điền, tay trái để vào chỗ thận, tay phải xoa vào đan điền, rồi thay đổi 2 tay cho nhau, lặp lại 36 lần.
 
Động tác thứ 9: Xát thận du( Xoa huyệt nội thận). Nín hơi, hai tay xoa nhau cho nóng, đưa ra sau lưng chà xát thận du(xoa huyệt mệnh môn ở chính giữa thắt lưng, dưới đốt sống thứ 2 tính từ dưới lên), lặp lại 36 lần.
 
Động tác thứ 10: Xoa huyệt dũng tuyền. Tay trái cầm bàn chân trái lên, tay phải xoa vào bàn chân trái 36 lần, đổi sang chân phải.
 
Động tác thứ 11: Xoa huyệt hiệp tích. Xoa khe xương ngực số 4 và số 5, lặp lại 36 lần.
 
Động tác thứ 12: Vẩy chân( vẩy đùi). Chân trái đứng yên, chân phải nhấc lên vẩy 7 lần, sau đó đổi sang chân trái, vẩy 7 lần.

Chữa bệnh bằng hư tĩnh công


Hư tĩnh là trạng thái đặc biệt của cơ thể, chỉ xuất hiện trong khi luyện tập Khí công Trường sinh – Trạng thái thăng hoa bậc cao. Trạng thái này không phải thiền, cũng không phải thôi miên. Muốn đi vào trạng thái này phải cần phải luyện tập từ thấp đến cao, luyện thường xuyên, với sự quyết tâm và đúng thao tác kỹ thuật. Trong khi đi vào trạng thái hư tĩnh thì phải trút bỏ hết mọi ý nghĩ để cho đầu óc của mình hướng vào mục tiêu tốt đẹp trong khi luyện tập. Hư tĩnh công là một trong những phương pháp tự chữa bệnh không cần phải giữ ý niệm, chỉ cần yêu cầu thanh thản, nội thu thần khí để mang lại tác dụng phòng chống bệnh, tăng tuổi thọ.
 

Bai-tap-khi-cong-ho-tro-chua-benh

 
Cách tập luyện: Ngồi hay nằm ta có thể lựa chọn tư thế tùy ý, hít thở tự nhiên, mồm, mắt hơi khép kín, cố gắng loại bỏ hết ý nghĩ trong đầu, toàn thân đi vào trạng thái thư giãn tĩnh. Có thể luyện tập tùy lúc, không nên nóng vội, khi mới tập hơi khó để đưa cơ thể vào trạng thái thư giãn tĩnh nhưng chỉ cần kiên nhẫn luyện tập là có thể đi vào trạng thái tĩnh sâu. Cách luyện tập này đặc biệt có hiệu quả đối với những người thường xuyên có tâm tình bất an, sầu muộn, những người có bệnh đau đầu, suy nhược thần kinh, huyết áp cao...

Nội dưỡng công         


Nội dưỡng công và cường tráng công là một phương pháp khí công khá đơn giản, dễ tập luyện mà hiệu quả cao. Nội dưỡng công, cường tráng công thuộc thể loại tĩnh công, nghĩa là khi luyện công cơ thể hoàn toàn bất động. Tuy vậy tạng phủ kinh lạc lại vận động rất mạnh mẽ, cho nên tĩnh công trên thực tế là ngoại tĩnh nội động. Tác dụng của nội dưỡng công chủ yếu xác định cách thư giãn toàn bộ các cơ nhục ở tay, chân, thân thể và tạo thành một tư thế nhất định, kết hợp với phép thở bằng bụng, ý niệm đến đan điền, niệm  số để đạt tới điều chỉnh an thần, bồi dưỡng nguyên khí, điều hòa tạng phủ, tập trung ý thức (ý thủ) nhằm nâng cao sinh khí trong cơ thể từ đó mà có hiệu quả trong chữa bệnh.
 
Bai-tap-khi-cong-ho-tro-chua-benh

 

Cách tập luyện: Lựa chọn tư thế tập ngồi hay nằm tùy ý, dùng mũi hít khí, ý niệm đưa tới (đan điền) bụng dưới, ngưng một lát rồi từ từ thở ra bằng mồm. Trong mỗi lần hít thở phải “ tĩnh tâm thư giãn”. Thời gian tập luyện có thể dài hay ngắn nhưng nhất thiết phải thật thư giãn tự nhiên nhất, chú trọng tập nhiều về tĩnh tâm. Nếu khi tập luyện mà thấy loạn ý thì dừng lại. Không tập luyện vào lúc no quá hoặc khi đói. Cách tập luyện này có hiệu quả để tự chữa bệnh dạ dày, viêm đường ruột mãn tính, dính niêm mạc dạ dày, táo bón, viêm gan...


Hồi xuân công


Hồi xuân công là phương pháp kết hợp động và tĩnh công, thông qua tập luyện sẽ làm thông khí huyết, bồi bổ nguyên khí. Qua nghiên cứu cận đại, phương pháp luyện công này giúp khôi phục và nâng cao chức năng về giới làm mạnh cơ quan sinh dục chống lại bất lực hay xuất tinh sớm, trị nhão cơ âm đạo. Hồi xuân công cũng được sử dụng để trị bệnh về phổi, các đốm lão hóa ở mặt, phục hồi vóc dáng cơ thể sau sinh, trị cơ vú bị nhão, trị tư thế lọm khọm tuổi già, trị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, phòng ngừa chứng đột quỵ...
 
Tư thế chuẩn bị: Thường chọn tư thế đứng thẳng người, hai bàn chân dang rộng bằng khoảng cách hai vai, hai tay buông thẳng theo thân người xuôi theo 2 bên đùi, hai vai hạ thấp, toàn thân thư giãn. Mắt hơi nhắm hoặc nhìn thẳng về phía trước, miệng khép, hàm thả lỏng, lưỡi cong lên chạm vào lợi hàm răng trên. Thở nhẹ nhàng và điều hòa, tư tưởng nhập tĩnh, hít thở ổn định và tập trung vào việc tập luyện.
 
Bai-tap-khi-cong-ho-tro-chua-benh

 

Khởi thế: Hít thở sâu bằng mũi, hai chân hơi rướn lên, ưỡn ngực ra phía trước, bụng dưới phồng lên. Từ từ thở ra bằng miệng, bụng dươi hơi tóp lại, hai đầu gối hơi cong theo tư thế thở, hai bàn tay giáp đất. Làm như vậy lặp lại 16 lần.
 
Toàn thân lay động: Toàn thân thư giãn, thân trên thẳng, hai tay buông xuôi, đầu gối hơi khụy xuống. Sau đó toàn thân bật lên bật xuống theo đầu gối, kéo theo ngực và khớp vai, khớp cổ, các cơ bắp và các âm nang cũng lay động theo. Thời gian tập luyện không dưới 1 phút. Trước khi kết thúc giảm tốc độ, từ từ thu công.
 
Quay vai trái và phải: Chân tay vẫn như trước, trọng tâm hơi ngả về phía trước, đầu gối hơi cong, toàn thân thư giãn. Bắt đầu quay vai về phía trước rồi quay lại về phía sau, cứ như vậy luân phiên 2 vai phải, trái tổng cộng 16 lần. Khi quay vai không dùng lực, hít thở theo động tác. Lúc dầu quay vòng nhỏ sau tăng thành vòng to. Thời gian đầu, làm nhanh hay chậm là tùy thuộc vào hơi thở. Dần dần hơi thở dài ra thì động tác tiến hành chậm lại. Chú ý cần thở bằng bụng, khi hít vào bụng phình ra và khi thở ra bụng thót lại. Đây là động tác có tác dụng bồi bổ chân khí. Sau khi tập chừng 3 – 4 tháng, kỹ năng thở bằng bụng đã thuần thục thì không cần theo dõi hơi thở nữa mà tâm trí cần tập trung vào đan điền. Người trưởng thành, khi mới tập chỉ cần làm vài chục lần, mỗi tuần tăng thêm năm, bảy lượt cho đến khi làm đủ 164 lần. Mỗi ngày nên tiến hành 2 lần vào buổi sáng khi mới thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.

 

Thủ nhất công

 

Là phương pháp tự chữa bệnh theo tĩnh công, phải niệm ý vào một chỗ nào đó trong cơ thể để đạt được mục đích bổ nguyên khí, trừ tà khí phòng bệnh.
 
Cách tập luyện: Tư thế tùy ý, thân tâm thư giãn. Đưa nguyên khí đến đan điền. Khi nguyên khí đan điền mạnh nên, đem ý niệm tới ổ bệnh, giữ khí để đạt tới công hiệu bảo hộ tạng khí trừ bệnh. Lưu ý: Niệm ý tức là lúc có lúc không, mơ mơ màng màng vào một bộ phận nào đó. 
 

Một số điều cần chú ý khi tập luyện khí công

 
Duy trì sinh hoạt điều độ, có giờ giấc, tiết dục.
 
Luyện tập với mức độ vừa đủ.
 
Kết hợp chặt chẽ giữa vận động và yên tĩnh.
 
Kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt luyện tập: luyện tư thế, luyện thở và luyện ý.
 
Có sự tin tưởng, kiên trì luyện tập và có sự hướng dẫn của người có chuyên môn. 
 
 
Nguyễn Dung (t/h)