Lương y Đông phương xưa, ngoài nghiệp vụ chuyên môn y, dược, còn bảo trọng tâm đức và khuyến khích bệnh nhân hành thiện tô bồi âm đức; nghĩa là vừa chữa ngọn vừa chữa gốc. Có “sinh” tức có “tử”, có “lão” phải có “bệnh”. Lắm khi chưa “lão” cũng đã mang “bệnh”. Câu nói tuy đơn giản nhưng gói gọn một triết lý thực tế trong cuộc sống của mọi sinh vật hữu hình. Do vậy phải có lối sống lành mạnh,tâm thái hướng thiện, không gian sống sạch, chế độ ăn uống hợp lý, thuận tự nhiên để ít phải mang bệnh. Có như vậy mới sống trường thọ trong an yên hạnh phúc được.
Sau đây tôi xin tổng hợp lại ba câu chuyện của những người sống thọ nhất thế giới để làm minh chứng:
Câu chuyện thứ nhất: Cụ ông Trung Quốc thọ 256 tuổi
Theo thời báo New York năm 1930 đưa tin, giáo sư Hu Zhong Lian (Hồ Trung Liêm) tại đại học Thành Đô Trung Quốc đã phát hiện trong sử sách năm 1827 của Trung Quốc có ghi lời chúc mừng cụ Li Qing Yun thọ 150 tuổi, đến năm 1877 vẫn có tài liệu ghi chúc mừng cụ tròn 200 tuổi. Năm 1928, thời báo New York có bài viết ghi rõ, người hàng xóm của cụ Li đều khẳng định ông cha của họ từ nhỏ đều đã quen biết cụ Li, khi đó cụ Li đã là một người trưởng thành.
Được biết, cụ Li bắt đầu học Đông y từ khi 10 tuổi, cụ thường đi hái lá cây thuốc trong rừng để nghiên cứu phương thuốc trường sinh bất lão. Trong gần 40 năm, cụ chỉ ăn các loại thảo dược như linh chi, kỷ tử, nhân sâm, hà thủ ô và uống rượu gạo để sống. Năm 1749, khi cụ 71 tuổi, cụ đã gia nhập quân đội với danh nghĩa võ sư. Cụ Li rất được mọi người yêu quý, cụ đã từng kết hôn 23 lần, sinh được hơn 200 người con.
Dân gian nói cụ là người biết đọc biết viết từ nhỏ, năm 10 tuổi cụ đã từng đi khắp nơi như Cam Túc, Thiểm Tây, Tây Tạng, An Nam, Tây An và Mãn Châu để hái thuốc. Thời đó trở về trước mọi người đều lấy việc đi hái thuốc làm nghề chính. Sau này cụ chuyển sang bán thảo dược của người khác hái về. Cụ bán các loại thảo dược như linh chi, kỷ tử, nhân sâm, hà thủ ô .., đồng thời cụ cũng dùng những loại thảo dược này cùng với rượu gạo làm đồ ăn thức uống giúp ích cho cuộc sống của mình.
Khi được lãnh chúa Wu Pei Fu (Ngô Bội Phu) mời đến nhà riêng để chia sẻ về bí quyết trường thọ cụ cũng từng trả lời như thế này: Cụ Li luôn giữ tâm trí thoải mái, kết hợp kỹ năng thở để tạo ra bí quyết trường thọ của riêng mình. Ngoài ra thói quen ăn uống cũng có tác dụng rất lớn trong vấn đề giữ gìn tuổi thọ của cụ. Tuy nhiên trong ghi chép của người đời, bí quyết lớn nhất của cụ vẫn là giữ cho tâm được tĩnh. Tâm tĩnh là tránh xa bon chen, đố kị, ghen ghét, giận dữ, ham hố, tham vọng, hay ái ố hỉ nộ quá mức...
Câu chuyện thứ 2: Cụ ông Nhật Bản thọ 112 tuổi
Ngày 10/04/2018 Cụ Masazo Nonaka, công dân Nhật Bản, đã được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là người đàn ông cao tuổi nhất thế giới hiện nay ở tuổi 112.
Theo AFP, cụ Masazo Nonaka, sinh ngày 25/7/1905, đã được Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới trao bằng chứng nhận là người đàn ông cao tuổi nhất thế giới trong một buổi lễ diễn ra tại nhà của cụ ở đảo Hokkaido, Nhật Bản.
Cụ Nonaka năm nay 112 tuổi và cụ ra đời chỉ vài tháng trước khi nhà bác học Albert Einstein công bố thuyết tương đối đặc biệt.
Các thành viên trong gia đình đã tiết lộ bí quyết sống thọ của cụ Nonaka là ăn kẹo và tắm nước nóng. Cụ Nonaka có sở thích xem đấu sumo trên tivi và nghe nhạc. Cụ hiện sống với các con cháu và gia đình cụ vẫn quản lý một cửa tiệm cung cấp dịch vụ tắm suối nước nóng từ trước đến nay. Có lẽ chính nhờ suối nước nóng này mà cụ Nonaka giữ gìn được sức khỏe tốt như vậy chăng ?
Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có nhiều người sống thọ. Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này hiện có khoảng 68.000 công dân đang ở độ tuổi trên 100.
Câu chuyện thứ 3: Cụ bà người Việt cao tuổi nhất thế giới 123 tuổi
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe tới danh cụ bà Nguyễn Thị Trù (SN 1893) ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh, người sống qua 3 thế kỷ, thọ tới 123 tuổi từng giữ kỷ lục Người cao tuổi nhất Việt Nam và cụ bà cao tuổi nhất thế giới (của Hiệp hội Kỷ lục thế giới).
Bữa ăn của cụ Trù luôn là những thực phẩm do chính sức lao động của những người trong gia đình làm ra, như gạo từ lúa ở ruộng nhà, rau quả trong vườn, cá dưới sông… Nhờ vậy, cụ ít khi bệnh, mà ngược lại sức khỏe còn được rèn luyện, bồi đắp.
Điều quan trọng khiến cụ sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét, đố kỵ ai bao giờ. Điều này giúp cụ thanh thản, không nặng nề toan tính với cuộc đời. Cụ cũng không màng đến những thứ xa hoa. Vật chất đối với cụ chỉ là vật ngoài thân. Đặc biệt, lòng cụ luôn nhẹ nhàng, tâm cụ thảnh thơi, thanh thản. Mặc dù không biết chữ nhưng cụ còn thường hay hát, đọc thơ cho cháu chắt nghe và đi lễ chùa.
Mặc dù cụ Nguyễn Thị Trù đã “như mây về trời” nhưng có thể thấy cuộc đời cụ là tấm gương của sự hy sinh, lòng nhân ái bao la, nhắc nhở lương tâm mỗi chúng ta sống không màng vật chất, thanh thản không giận hờn, trách móc. Ăn uống thực phẩm sạch từ vườn nhà cũng là một trong những bí quyết giúp cụ Trù trường thọ...
Để sống thọ không còn là việc khó
"Có thể nhiều người cho rằng, việc sống tới 90 hay 100 tuổi chẳng liên quan gì đến tính cách. Nhưng nghiên cứu cho thấy, tính cách góp một phần rất quan trọng. Nó bao gồm cả khả năng kết nối, tương tác trong xã hội, khả năng phục hồi của cá nhân và sự tự tin của mỗi người", tác giả nghiên cứu Dilip V. Jesste, Phó hiệu trưởng cao cấp của Trung tâm sức khỏe người già, Đại học y khoa UC San Diego trả lời tạp chí TIME.
Tình yêu gia đình, quê hương là một đặc điểm chung của những người sống thọ. Đó cũng là điều giúp họ tìm được mục đích của cuộc sống. Hầu hết những người sống thọ được nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu vẫn làm việc tại quê hương và gần gia đình. Với họ, đó chính là cuộc sống và họ sẽ không bao giờ từ bỏ.
Bên cạnh đó, lối sống, chế độ ăn uống cũng là một phần quan trọng ảnh hưởng tới tuổi thọ. Họ không ăn nhiều đồ ăn có mỡ, ngọt. Họ cũng không uống kháng sinh, không hút thuốc, uống rượu. Trong thực phẩm của họ không có thực phẩm bẩn, họ chỉ ăn thực phẩm sạch và cỏ cây không nhiễm hóa chất, vì thế cơ thể họ tự có hệ thống miễn dịch vững chắc.
Khi rảnh rỗi họ thường luyện kỹ năng thở trong môi trường tự nhiên, đầu óc thanh thản không nghĩ ngợi, biện pháp này đặc biệt tốt với sức khỏe tinh thần và thể lực của con người. Họ tạo được thói quen đơn giản hóa mọi việc, nghỉ ngơi đủ giấc, phần lớn thời gian đều ở ngoài trời, trân trọng, yêu mến và hết sức đồng hóa với thiên nhiên. Họ khai thác, dùng những sản vật của tự nhiên nhưng không hề lạm dụng, tàn phá. Họ còn sống một cách dung dị cùng Đất Trời, điều đó tạo thành thói quen kính trọng Trời Đất, con người và tự nhiên sống hiền hòa, như thế họ sẽ đạt được những gì đáng có. Cho nên thuận theo tự nhiên mà họ đạt được tuổi thọ như vậy.
Tiến sỹ - lương y Phùng Tuấn Giang
Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường