Trong quý 1/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trên cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho). Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Với phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (Condotel), chỉ có hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số 139.281 sản phẩm được đầu tư xây dựng. Giá nhà ở nhìn chung chưa giảm nhưng đã có đến 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động.
Theo thông tin nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu về kinh tế, thì trong quý 1/2020, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động tăng cao nhất, tăng 94,1%. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm đến 12% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI quý 1/2020 của cả nước đạt 8,55 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD, chỉ chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, tụt xuống vị trí thứ 4.
Tại thành TP HCM, trong quý I/2020, có đến 1.523 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ngành nghề bị giải thể, tăng 54,5% và 5.088 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động. Hơn 7.000 lao động bị ngừng việc tạm thời hoặc bị chấm dứt hợp đồng và dự kiến có khoảng 70.000 lao động (phần lớn trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa) sẽ bị tác động trong những tháng sắp tới.
Thực hiện giãn cách xã hội làm các ngành dịch vụ giảm rất mạnh, kể cả lĩnh vực bất động sản; Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ (Qúy 1/2019 tăng đến 7,64%) là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.
Thị trường bất động sản thành phố quý 1/2020, chỉ có 10 dự án được phê duyệt bán nhà ở hình thành trong tương lai với 2.800 căn, bao gồm 2.700 căn hộ chung cư và 80 nhà thấp tầng, giảm 22% so với cùng kỳ 2019 và giảm gần 70% so với quý trước.
Nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý 1/2020 bị trầm lắng (tháng 03 và nửa đầu tháng 04/2020 gần như bị đóng băng), giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn.
Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đại dịch Covid-19 cùng với những khó khăn của thị trường bất động sản trong 2 năm 2018, 2019, cũng là phép thử sàng lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém hoặc làm ăn kiểu chụp giật.