Bệnh viện Mắt Sài Gòn–Hà Nội bán hàng không rõ nguồn gốc và không xuất hóa đơn VAT?

Vừa qua, Báo Sức Khỏe Cộng Đồng nhận được phản ánh của bạn đọc về việc nhân viên của Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội khám và bán kính mắt không xuất hóa đơn cho bệnh nhân, sản phẩm mập mờ về nguồn xuất xứ.
 
Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội: bán sản phẩm không rõ nguồn gốc và không xuất hóa đơn VAT
Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội có địa chỉ 532 Đường Láng – Q. Đống Đa - TP Hà Nội.
 
Theo phản ánh, vào ngày 12/10/2019, bệnh nhân N.T.H, sinh năm 2xxx; (địa chỉ T.T, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) được người nhà đưa đến Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội (có địa chỉ 532 Đường Láng – Q. Đống Đa - TP Hà Nội) để khám mắt bị tật khúc xạ. Bệnh nhân được khám và đo cắt kính mắt (kính thuốc) do bệnh viện bán ra.
 
Tuy nhiên, dù là bệnh viện mắt lớn, quảng cáo hàng chính hãng nhưng khi thanh toán tiền khám, tiền mua kính mắt thì nhân viên quầy thu ngân chỉ đưa cho người nhà của bệnh nhân một phiếu thu khám bệnh về mắt trị giá 670.000 đồng và phiếu nhận kính mệnh giá là 500.000 đồng. Tổng chi phí khám và tiền mua kính mắt hết 1.170.000 đồng, nhưng lại không có một hóa đơn đỏ nào cho bệnh nhân trước lúc bước ra khỏi bệnh viện.

Ngoài ra, trên phiếu nhận kính cũng không có ký tên của người lập phiếu mà chỉ đóng dấu đỏ là đã thu tiền và đã nhận kính. Chính vì vậy càng khiến khách hàng bức xúc về cách thức làm việc của nhân viên trong bệnh viện.
 
Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội: bán sản phẩm không rõ nguồn gốc và không xuất hóa đơn VAT
Quầy hàng bán kính mắt trong Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội.
 
 Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội: bán sản phẩm không rõ nguồn gốc và không xuất hóa đơn VAT
Bệnh nhân phản ánh khi rời viện chỉ có phiếu thu và phiếu nhận kính. 
 
Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội: bán sản phẩm không rõ nguồn gốc và không xuất hóa đơn VAT
Trên kính mắt ghi là sản phẩm nhập khẩu Hàn Quốc nhưng lại không có tem, nhãn gốc của đơn vị sản xuất.
 
Theo khách hàng, điều đáng chú ý ở đây, sản phẩm là hàng nhập khẩu nhưng trên toàn bộ kính mắt chỉ có nhãn phụ, ghi sản phẩm của SooYoung Optical XX Hàn Quốc; địa chỉ 95 NoWon – Ro – BukGu – Deagu – Korea. Nhập khẩu và phân phối: Công ty TNHH Mắt kính Nguyên Khang Pro; địa chỉ P702A – Lầu 7 Center Point B/D Nguyễn Văn Trỗi – P8 – Phú Nhuận.

Trong khi đó, trên sản phẩm lại không có tem, nhãn gốc của nơi sản xuất ra sản phẩm. Điều này khiến khách hoàng hoài nghi về nguồn gốc sản phẩm kính mắt được bán trong Bệnh viện mắt Sài Gòn – Hà Nội.

Bán hàng cho bệnh nhân không có hóa đơn đỏ khi ra viện?

Để làm rõ hơn về những nội dung thông tin bạn đọc phản ánh, P.V đã có cuộc trao đổi với ban lãnh đạo của Bệnh viện mắt Sài Gòn – Hà Nội.

Theo bà Trịnh Thị Xuân Dung - Giám Đốc điều hành Bệnh viện mắt, cho biết: “Sau khi nghe thông tin phản ánh của báo chí, Bệnh viện đã làm việc với tất cả các bộ phận đều có xác nhận là bán sản phẩm cho khách hàng có hóa đơn. Tất cả các kính này đều có nguồn gốc. Việc phản ánh của khách hàng là không có cơ sở.”

Phía bệnh viện còn đòi hỏi trong việc muốn xác minh thông tin rõ ràng thì P.V phải cung cấp được tên tuổi khách hàng thì khi đó mới kiểm tra rà soát. Còn nếu không có tên bệnh nhận thì bệnh viện khẳng định là nhân viên làm đầy đủ thủ tục giấy tờ cho bệnh nhân.

Liên quan đến việc không xuất hóa đơn, bà Nguyễn Thị Dung – Giám đốc vận hành Bệnh viện mắt cho hay: “Khi kết thúc quá trình khám, nhân viên sẽ cấp phiếu thu cho bệnh nhân, còn nếu bệnh nhân có yêu cầu lấy hóa đơn tài chính thì bệnh viện mới cấp hóa đơn.”

Thông tư số 10/2014/TT-BTC quy định: Việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật hiện hành là phải lập hóa đơn giao cho khách hàng ở thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu hàng hóa cho người mua hoặc là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ. Không phân biệt là đã thu tiền hay chưa thu tiền.

Căn cứ vào điểm a, khoản 3, điều 11, Thông tư số 10/2014/TT-BTC, mức phạt khi lập hóa đơn không đúng thời điểm:

3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm.
Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
a.1) Phạt cảnh cáo nếu việc lập hóa đơn không đúng thời điểm không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung hình phạt.

Mập mờ trong việc doanh nghiệp nhập kính mắt vào bệnh viện

Ngoài ra, đối với đơn vị nhập khẩu kính mắt vào Bệnh viện mắt Sài Gòn – Hà Nội, bà Trịnh Thị Xuân Dung cho biết: “Công ty Nguyên Khang có hợp tác với bệnh viện, còn về giấy tờ hóa đơn, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến rồi yêu cầu tiếp lên tập đoàn. Mặt khác hợp đồng giữa bệnh viện và đối tác có những quy định về bảo mật, do vậy tôi không thể cung cấp.

Còn về công ty Nguyên Khang nhập khẩu kính mắt thì họ phải có nguồn gốc xuất xứ, khi liên kết với bệnh viện,trong hợp đồng thì công ty phải đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Nếu như cần những giấy tờ gì thì P.V qua làm việc với bên công ty Nguyên Khang.”

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Dung lại nói: “Bệnh viện có xuất nhập kính mắt của Công ty TNHH Ân Duy Phát. Tất cả hóa đơn mua bán và hợp đồng đều có đầy đủ. Còn về phía đối tác là như thế nào thì P.V phải làm việc với công ty Ân Duy Phát. Công ty Ân Duy Phát là đơn vị cung cấp kính cho Bệnh viện mắt Sài Gòn – Hà Nội.”

Khi P.V hỏi tại sao trên kính mắt lại ghi đơn vị nhập khẩu là Công ty Nguyên Khang Pro, thì bà Dung lại cho biết: “ Chắc công ty Ân Duy Phát đó nhập kính của công ty Nguyên Khang.

Nếu như báo chí muốn tìm hiểu hợp đồng thì bệnh viện sẽ liên hệ với luật sư của mình để xin trích một số điều khoản trong hợp đồng cho P.V xem qua. Còn không được thì P.V phải tự tìm hiểu bên đơn vị cung cấp cho bệnh viện. Còn báo chí muốn tìm hiều giấy tờ gì khác thì gửi câu hỏi cho bệnh viện rồi đóng dấu vào. Khi đó chúng tôi sẽ xem xét có thể cung cấp những cái gì.”

Mức phạt khi bán hàng không lập hóa đơn GTGT
 
Đối với việc bán hàng không lập hóa đơn, các mức phạt sẽ áp dụng điểm b, khoản 4, điều 11, Thông tư số 10/2014/TT-BTC:
 
4. Phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
b) Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định. Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua.
 
Liên quan đến việc phản ánh của người nhà bệnh nhân cũng như làm rõ thông tin về giấy tờ của sản phẩm kính mắt được nhập vào Bệnh viện mắt Sài Gòn - Hà Nội. Hiện tại P.V đang đặt lịch làm việc với Quản lý thị trường Hà Nội và Chi cục thuế Hà Nội để có thông tin xác thực hơn.

Báo Sức Shỏe Cộng Đồng sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này đến bạn đọc.
 
Quân Lê