Ngoài việc cho vay với lãi suất cao, gọi điện thoại đe dọa, không ít trường hợp người vay bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn khi vay tiền qua App trên không gian mạng.
Theo thống kê của Công an huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), từ đầu năm 2022 đến nay đã tiếp nhận 14 trường hợp bị lừa đảo trên không gian mạng, với số tiền trên 2,8 tỷ đồng. 5 trường hợp bị lừa đảo qua hình thức chuyển tiền cộng tác viên online, 6 trường hợp bị lừa qua hình thức vay ngân hàng, đầu tư chứng khoán, 2 trường hợp lừa đảo bằng hình thức gửi hàng, gửi tiền từ nước ngoài về, 1 trường hợp bị khủng bố đòi nợ dùng hình ảnh nhạy cảm đăng trên mạng xã hội.
Trong lúc lướt Facebook, anh H.M.V. (ngụ thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) truy cập trang “Hỗ trợ kinh doanh xanh 4” và có nhu cầu vay 30 triệu đồng. Anh V. làm theo hướng dẫn, cung cấp thông tin cá nhân, chụp ảnh CCCD.
Anh V. tiếp tục làm theo hướng dẫn của Facebooker “Đỗ Danh Hoằng - Thẩm Định Viên Tài Chính” và được thông báo đã duyệt vay 30 triệu đồng. Số tiền này được hiển thị trong ví điện tử trên App nhưng khi anh V. thực hiện thao tác rút tiền chuyển vào tài khoản liên kết thì thất bại. Nghi ngờ bị lừa đảo, anh V. không tiếp tục làm theo hướng dẫn và đến Công an huyện Thanh Bình trình báo.
Không may mắn như anh V., chị N.T.C.T. (ngụ xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình) bị lừa số tiền 22 triệu đồng. Sau khi làm theo hướng dẫn, chị T. được thông báo duyệt vay 50 triệu và tiền được hiển thị trong ví điện tử trên App.
Chị T. thấy có 50 triệu đồng nhưng khi thực hiện thao tác rút tiền thì thất bại. Chị T. liên hệ, đối tượng trả lời thông tin không tin chính xác và yêu cầu nộp 5 triệu đồng. Đối tượng trấn an sau khi nộp tiền, chị T. sẽ nhận lại 55 triệu đồng.
Tin tưởng, chị T. chuyển tiền theo yêu cầu nhưng vẫn không rút được tiền và buộc phải nộp thêm 10 triệu đồng để làm lại hồ sơ. Sau khi nộp thêm 10 triệu, chị T. vẫn không rút được tiền và được yêu cầu nộp tiếp 15 triệu đồng. Đối tượng thông báo “ngân hàng” sẽ hỗ trợ 8 triệu, chị T. chỉ cần nộp thêm 7 triệu đồng. Sau khi làm theo hướng dẫn, chị T. vẫn không nhận được tiền mới nghi ngờ lừa đảo và đến trình báo cơ quan Công an.
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trên không gian mạng có hàng trăm App không phép cho vay tiền, hoạt động khá phức tạp, có yếu tố nước ngoài, thường xuyên thay đổi nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Người dân cần hết sức thận trọng, cảnh giác với các giao dịch vay tiền qua App để tránh sa vào cạm bẫy, tiền mất, tật mang.
Văn Vĩnh