Dự báo không khí lạnh kéo dài, ngày càng khắc nghiệt

Không khí lạnh năm nay dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn so với mức trung bình nhiều năm, đặc biệt là trong tháng 2, dẫn đến nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
du-bao-khong-khi-lanh-keo-dai-ngay-cang-khac-nghiet-1739950422.jpg
Không khí lạnh kéo dài ở miền Bắc Việt Nam. (Ảnh: Sưu tầm)

Tuần này, một đợt không khí lạnh cường độ mạnh đã tràn qua miền Trung và miền Bắc nước Mỹ, kéo theo nền nhiệt nguy hiểm, bão tuyết dữ dội và lũ lụt nghiêm trọng.

Hiện tượng thời tiết cực đoan này, do xoáy cực gây ra, đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và gây ra sự gián đoạn diện rộng trên nhiều bang. Theo ghi nhận, nhiệt độ đã giảm xuống mức -51°C tại Bắc Dakota và -46°C ở Montana vào ngày 17/2, đánh dấu đợt xoáy cực thứ 10 và lạnh nhất trong mùa đông năm nay. Các yếu tố thời tiết tại Bắc Cực đang kết hợp để đẩy khối không khí lạnh tràn sâu xuống nước Mỹ và châu Âu, khiến tình hình thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

Không chỉ nước Mỹ, Nhật Bản cũng đang đối mặt với ảnh hưởng nghiêm trọng từ đợt không khí lạnh này. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, bản tin dự báo ngày 18/2 cho thấy khối không khí lạnh mạnh sẽ tràn vào Nhật Bản từ ngày 19/2, kéo theo lượng tuyết rơi dày đặc trên nhiều khu vực.

Dự báo cụ thể:

  • Vùng Tohoku, Hokuriku và tỉnh Niigata có thể hứng chịu lượng tuyết lên tới 70 cm.
  • Khu vực Kanto-Koshin và tỉnh Gifu dự báo có 50 cm tuyết.
  • Khu vực Kinki có thể chứng kiến 40 cm tuyết rơi.

Mặc dù đợt lạnh lần này có thể không mạnh bằng đợt hồi đầu tháng 2, nhưng khả năng gây tuyết rơi dày lại cao hơn và dự kiến kéo dài ít nhất một tuần. Người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng được khuyến cáo chuẩn bị sẵn sàng đối phó với thời tiết khắc nghiệt.

du-bao-khong-khi-lanh-keo-dai-ngay-cang-khac-nghiet1-1739950463.jpg
Tuyết rơi dày ở Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 9.2.2025. Ảnh: NHK

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 2/2025, không khí lạnh tại Việt Nam có Xu hướng hoạt động mạnh hơn so với mức trung bình nhiều năm, gây ra các đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng.

Những đợt lạnh kỷ lục gần đây cho thấy dù hiện tượng biến đổi khí hậu đang khiến Trái đất nóng lên, nhưng không có nghĩa là thời tiết lạnh giá biến mất. Ngược lại, sự xáo trộn trong các mô hình khí quyển có thể dẫn đến những đợt rét bất thường và khắc nghiệt hơn.

Năm 2023 từng ghi nhận mức nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục, nhưng nhiều khu vực ở Bắc Bán Cầu vẫn phải đối mặt với những đợt lạnh phá vỡ kỷ lục hàng chục năm. Một ví dụ điển hình là đợt rét tháng 12/2023 tại miền Đông Trung Quốc, khiến các nhà khoa học quốc tế phải tìm hiểu lý do vì sao nhiệt độ đóng băng vẫn xảy ra dù xu hướng ấm lên toàn cầu đang diễn ra.

Trong đợt rét này, Bắc Kinh trải qua 300 giờ liên tiếp với nhiệt độ dưới 0°C, chuỗi lạnh kéo dài nhất kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1951.

Không chỉ Trung Quốc, Bắc Âu và nhiều khu vực ở Mỹ cũng hứng chịu những đợt lạnh cực đoan vào đầu năm 2024, dù thời điểm đó Trái đất đang trải qua giai đoạn nóng nhất lịch sử. Điều này đã làm dấy lên tranh luận về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Khí hậu và Khí quyển chỉ ra rằng hiện tượng "Bắc Cực ấm - Âu Á lạnh" là một trong những nguyên nhân chính gây ra các đợt rét kỷ lục này.

Khi Bắc Cực ấm lên bất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa Bắc Cực và các vĩ độ trung bình giảm, làm suy yếu hệ thống khí quyển giữ không khí lạnh ở vùng cực. Hệ quả là khối khí lạnh dễ dàng tràn xuống các khu vực như Trung Quốc, Bắc Âu và Mỹ, gây ra thời tiết lạnh bất thường.

Đặc biệt, vào tháng 12/2023, Bắc Cực ghi nhận nhiệt độ ấm thứ tư trong lịch sử vào thời điểm đó. Sự ấm lên bất thường này làm gián đoạn sự chênh lệch nhiệt độ bình thường, tạo điều kiện để luồng khí lạnh di chuyển xuống phía nam, dẫn đến những đợt rét đậm, rét hại kéo dài.

Hiện tượng này cho thấy rằng, dù Trái đất đang ấm lên, thời tiết khắc nghiệt vẫn có thể xảy ra do sự biến đổi phức tạp của khí hậu và các rối loạn trong hệ thống khí quyển toàn cầu.