Lễ té nước Songkran biến chất

Songkran những năm gần đây trở thành “cuộc chiến té nước” với những nỗi lo gây bệnh tật, quấy rối tình dục, uống rượu quá độ.

Những người trẻ tuổi thích chọi súng nước, uống bia, rượu trong lễ hội Songkran ở Thái Lan. Ảnh: Anthony Bouch.

Lễ hội Songkran được tổ chức ngày 13-15/4, đánh dấu năm mới của Thái Lan. Đây là dịp thanh tẩy bản thân, lập công đức, đoàn tụ gia đình và bày tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, theo SCMP.

Té nước tượng trưng cho việc gột rửa tội lỗi và xui xẻo là chủ đề xuyên suốt lễ hội. Tập tục này đã phát triển thành trò chơi đầy phấn khích nổi tiếng với khách du lịch khi nhắc tới Thái Lan.

Sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, “cuộc chiến” té nước quay trở lại vào năm 2023.

Bên cạnh mua súng nước và loại phấn có tên din sor pong, người tham gia phải cất những vật có giá trị trong túi ziplock không thấm nước. Kem chống nắng, nước uống, kính bơi, đồ bơi và giày có độ bám tốt để tránh trơn trượt cũng được khuyến khích.

Bầu không khí lễ hội đặc biệt sôi động ở Bangkok, nơi mà vào năm 2011, Kỷ lục Guinness Thế giới về “cuộc chiến súng nước” lớn nhất thế giới đã bị phá vỡ (3.477 người bắn nước vào nhau trong 10 phút).

Le hoi te nuoc anh 1

Lễ hội té nước thu hút đông đảo công chúng Thái Lan và du khách vui chơi, vốn kéo theo những mặt trái. Ảnh: Shutterstock.

Ở Chiang Mai, miền Bắc Thái Lan, trong khi các DJ chơi nhạc, con hào bao quanh khu phố cổ cung cấp nguồn “đạn dược” vô tận.

Songkran cũng là dịp để bạn bè gặp gỡ, uống 1-2 ly bia xã giao.

Nhưng uống quá nhiều rượu từ lâu đã là thách thức lớn nhất mà cảnh sát Thái Lan phải đối mặt trong kỳ nghỉ lễ này. Bất chấp nhiều chiến dịch an toàn, tai nạn đường bộ vẫn tăng cao trong “7 ngày nguy hiểm” hàng năm.

Năm 2022, 278 người chết và 1.869 người bị thương trong các vụ va chạm giao thông trong khoảng thời gian ngày 11-16/4. Lái xe trong tình trạng say xỉn góp phần gây ra hơn 60% số thương vong được báo cáo, với phần lớn vụ va chạm là xe máy và xe bán tải.

Đối với nhiều người Thái, đặc biệt là thuộc thế hệ cũ, ý nghĩa ban đầu của Songkran đã bị mất. Lễ hội trở nên thương mại hóa và quá ồn ào.

Việc vẩy một lượng nước nhỏ lên các nhà sư, bạn bè và gia đình một cách tôn trọng đã nhường chỗ cho những gì được quảng cáo là “cuộc chiến té nước điên cuồng nhất thế giới”.

Mỗi năm, các khẩu súng ngày càng lớn và nguy hiểm hơn. Tai nạn chực chờ xảy ra khi những người đi xe máy (đã say) bị “tấn công” bởi nước.

Cuộc thăm dò do Tổ chức Phong trào Tiến bộ Phụ nữ và Nam giới của Thái Lan tiến hành chỉ ra một nửa số phụ nữ và trẻ em gái được khảo sát cho biết họ bị sàm sỡ hoặc quấy rối tình dục trong các lễ hội té nước năm mới của Thái Lan.

Tăng cường sự hiện diện của cảnh sát, cung cấp các khu vực an toàn được chỉ định và khuyến khích nạn nhân báo cáo sự cố không thể ngăn chặn những hành vi không phù hợp đó.

Le hoi te nuoc anh 2

Nhiều bé gái và phụ nữ phản ánh về việc bị quấy rối tình dục trong lễ hội Songkran. Ảnh: Reuters.

Nhiễm trùng tiếp tục là vấn đề. Nước hào ở Chiang Mai có chất lượng đáng ngờ và không tốt nếu dính vào mắt hoặc nuốt phải.

Khách du lịch thường bị đau bụng sau Songkran vì các xô và súng nước được đổ đầy từ các nguồn không được lọc.

Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể thường xuyên thay đổi do hoạt động quá sức vào thời điểm nóng nhất trong năm, cũng như bị dội nhiều xô nước đá, dẫn đến dịch cảm lạnh và cúm vào tháng 4. Viêm phổi cũng là nguy cơ chực chờ.

Mặc dù mọi người bọc điện thoại trong túi ziplock, chúng vẫn có thể bị ướt và hư hại.

Songkran đánh dấu sự kết thúc của mùa khô và bắt đầu những cơn mưa. Những người nước ngoài được khuyến khích dội nước vào nhau trong khi số khác dự kiến hạn chế tiêu thụ.

Trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016, nông dân được lệnh cắt giảm việc sử dụng nước và phải tuân theo khẩu phần nước máy ở một số khu vực. Tuy nhiên, những lời kêu gọi về một lễ Songkran khô hạn đã bị bỏ ngoài tai.