Ngày 21/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin về một số trường hợp quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho người bệnh số tiền lớn trong năm 2022 và quý I/2023, theo Vietnamnet.
Theo đó, năm 2022, toàn quốc có 64 người bệnh được chi trả chi phí khám chữa bệnh trên 1 tỷ đồng. Quý 1/2023, có 99 người bệnh được nhận trên 500 triệu đồng (trong đó, có 8 người nhận trên 1 tỷ đồng).
Một số trường hợp được chi trả cao từ năm 2022 đến hết quý 1/2023 như sau:
Bệnh nhân được chi trả cao nhất 4,1 tỷ đồng sinh năm 2018, sống tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn khác của chuyển hóa carbohydrate.
Trường hợp thứ 2 nhận trên 3,5 tỷ đồng sinh năm 2017, địa chỉ xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bị rối loạn chuyển hóa tyrosine.
Trường hợp thứ 3 nhận gần 3,5 tỷ đồng, sinh năm 2017, địa chỉ tổ 15, phường Đề Thám, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, bị rối loạn chuyển hóa glycogen type 2 (bệnh Pompe).
Trường hợp thứ 4 nhận gần 3,1 tỷ đồng sinh năm 2018, địa chỉ thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, bị bệnh tích lũy glycogen.
BHXH Việt Nam cho biết, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia bảo hiểm y tế với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên;….
Khi tham gia Bảo hiểm y tế, người dân được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Người dân được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và có thể thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Khi khám chữa bệnh đúng quy định, người có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả từ 80-100% chi phí khám chữa bệnh tùy từng đối tượng. Việc này giúp người tham gia Bảo hiểm y tế giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau, tai nạn, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật..., theo
Linh Chi (T/h)