Chủ đầu tư chờ thị trường tốt hơn
Theo báo cáo mới phát hành của Cushman & Wakefield - một công ty dịch vụ bất động sản, thị trường nhà liền thổ (gồm nhà liền kề và biệt thự trong dự án), trong quý I không có nguồn cung mới nào gia nhập, ngay cả nguồn cung mới từ các dự án mở bán hiện có.
Trong khi đó, quý I năm nay tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm về lượng tiêu thụ tại Hà Nội với 35 căn bán được, giảm 51% và 91% so với cùng kỳ quý trước và cùng kỳ năm trước.
Thực trạng trầm lắng của thị trường cho thấy cả chủ đầu tư và người mua đều e ngại trong việc giao dịch. Nguyên nhân là tác động tiêu cực của thắt chặt tín dụng, các vấn đề pháp lý và trái phiếu của các tập đoàn bất động sản và khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2023.
Giá trung bình nhà liền thổ của Hà Nội quý này giảm nhẹ xuống còn 7.471 USD/m2 (khoảng 175 triệu đồng/m2), giảm 2,7% theo quý và gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án hiện hữu quý này vẫn giữ nguyên giá bán và nguyên nhân của sự sụt giảm trong giá trung bình nhà liền thổ là các dự án cao cấp khóa bảng hàng.
Công ty dịch vụ bất động sản này cho biết, hầu hết dự án liền thổ Hà Nội đều khóa bảng hàng để các chủ đầu tư chờ đợi một thị trường bất động sản tốt hơn. Còn người mua ở thực và nhà đầu tư dài hạn giờ đây sẽ là trọng tâm chính của thị trường.
Nhà liền kề, biệt thự đồng loạt giảm giá
Trước đó, báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng và nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường đều cho thấy số lượng giao dịch nhà liền kề, biệt thự từ quý IV năm ngoái tới quý I năm nay thấp nhất trong nhiều năm qua.
Giá nhà ở và một số loại bất động sản trong quý I năm nay có nhiều biến động. Đáng chú ý, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ gồm biệt thự, nhà liền kề và đất nền trong quý I này có xu hướng giảm so với quý trước.
Bộ Xây dựng cho biết, mức độ biến động giảm giá bình quân của một số dự án tại Hà Nội và TPHCM.
Cụ thể, biến động giá nhà ở riêng lẻ ở tại Hà Nội gồm khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) giảm khoảng 7,1% (xuống mức 159,5 triệu đồng/m2); Khai Sơn City (quận Long Biên) giảm khoảng 8,1% (xuống mức 167,2 triệu đồng/m2); An Khang Villa (quận Hà Đông) giảm khoảng 8,9% (xuống mức 122,9 triệu đồng/m2); Lan Viên Villa (huyện Gia Lâm) giảm khoảng 7,3% (xuống mức 80,4 triệu đồng/m2); khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức) giảm khoảng 6,9% (xuống mức 90,1 triệu đồng/m2).
Còn theo JLL Việt Nam, nguồn cung thị trường nhà liền thổ gồm nhà liền kề, biệt thự tiếp tục chứng kiến một quý ảm đạm khi nhiều dự án lớn ngừng mở bán trong quý I năm nay. Bên cạnh nguồn cung mới giảm sâu, do tâm lý thị trường yếu kém cùng với các khó khăn trong vấn đề giải ngân khiến hoạt động giao dịch trong quý I của thị trường nhà liền thổ (biệt thự, liền kề) gần như đóng băng.
Trong khi đó, một vài dự án lớn tạm thời ngừng giao dịch. Đáng chú ý, một vài dự án nhỏ và vừa chứng kiến nhiều giao dịch hoàn cọc hay trả hàng do ngân hàng siết chặt room tín dụng cho vay bất động sản, khiến người mua không đủ khả năng chi trả. Điều này khiến tỷ lệ hấp thụ trong quý chạm mức âm.
Giá sơ cấp biệt thự giảm 14% theo quý xuống còn 111 triệu đồng/m2 đất, liền kề giảm 3% theo quý xuống 167 triệu đồng/m2 đất. Theo đơn vị nghiên cứu, sự sụt giảm này là do nguồn cung mới và hàng tồn kho giá thấp tại huyện Mê Linh.
Nguồn cung sơ cấp hạn chế cũng như giá sơ cấp cao sẽ dẫn đến dịch chuyển nguồn cầu cho thị trường thứ cấp. Trong quý I năm nay, giá thứ cấp trung bình đạt mức 22 tỷ đồng/căn, thấp hơn 17% so với giá sơ cấp.
Theo ghi nhận của , mặt bằng giá chung của nhà liền thổ tại thị trường Hà Nội vẫn neo ở mức cao. Cá biệt, tại các quận trung tâm như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, người mua gần như không có sự lựa chọn mới. Các dự án nhà ở, liền kề tại quận Thanh Xuân và Tây Hồ có giá lên tới 400 triệu đồng/m2 gần như không có giao dịch.
Tuy nhiên, dù có giá trị lớn, nhưng không ít nhà liền kề, biệt thự có giá trị lớn nhưng lại vắng người ở diễn ra khá nhiều ở các khu đô thị.