Nhiều em nhỏ Hàn Quốc học tiếng Anh từ mẫu giáo. Ảnh minh họa: Phim Our Blues. |
Lần lượt từng đứa trẻ 5 tuổi bước lên sân khấu trong bộ đồng phục màu xanh hải quân, cố giấu đi vẻ bồn chồn. Nhóm khán giả trước mặt - cha mẹ và thậm chí một số là ông bà - của các em cố gắng gửi cái gật đầu động viên, nụ cười trấn an những đứa trẻ đang run rẩy, tay cầm sẵn điện thoại chuẩn bị ghi hình.
Sau một cái hít sâu và ra hiệu bắt đầu, một bé gái từ từ giải thích về thứ mà em cho là phát minh tuyệt nhất thế giới, hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Vào tháng 2, những em bé này tham gia sự kiện diễn thuyết tại Edible Village, một trường mẫu giáo tiếng Anh ở khu nhà giàu Gangnam, Seoul.
Edible Village là một trong hơn 800 trường mẫu giáo kiểu này trên khắp Hàn Quốc. Con số vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng ngay cả khi tỷ lệ sinh ở quốc gia này giảm và các trường mẫu giáo bình thường đóng cửa ở mức báo động, theo Korea JoongAng Daily.
Biết tiếng Anh càng sớm càng tốt
Tại các trường mẫu giáo tiếng Anh, lớp học do giáo viên người nước ngoài giảng dạy và trẻ em - một số mới 2 tuổi - được yêu cầu chỉ nói ngôn ngữ này trong nhiều giờ mỗi ngày.
Theo luật, các trường mẫu giáo tiếng Anh thường được phân loại là "học viện ngoại ngữ dành cho trẻ em" và phải tuân theo các luật tương tự cơ sở giáo dục tư nhân, còn được gọi là hagwon, thay vì luật như các trường mẫu giáo bình thường.
Giống như hagwon, không phải tất cả trường mẫu giáo tiếng Anh đều có chương trình giảng dạy giống nhau. Nhiều nơi tự quảng cáo mình là "dựa trên nghiên cứu" hoặc "dựa trên thực hành", hay như Edible Village, cho trẻ học dựa theo những gì cha mẹ chúng thích.
"Một số phụ huynh để con cái mình sử dụng tiếng Anh tự do theo ý thích, nhưng một số muốn nhiều hơn thế. Những phụ huynh ở nhóm thứ hai muốn con mình đạt được trình độ cao nhất có thể trước khi vào tiểu học", Eum Won-sun, giám đốc điều hành Edible Edu, công ty điều hành Edible Village, cho biết.
Trẻ ở các trường mẫu giáo tiếng Anh học với giáo viên nước ngoài. Ảnh: Park Sang Moon. |
Các bậc cha mẹ cho biết "sự tiếp xúc tự nhiên" với tiếng Anh là lý do lớn nhất họ gửi con mình đến các trường mẫu giáo dạng này. Họ cho rằng việc tương tác với người nước ngoài nhiều giờ mỗi ngày và học tiếng Anh trong các tình huống thực tế, đặc biệt là ở một trong những giai đoạn quan trọng nhất để học ngôn ngữ thứ hai, là trải nghiệm không thể có được ở các trường mẫu giáo bình thường.
“Tôi muốn con mình học tiếng Anh một cách tự nhiên, không phải trong một môi trường cứng nhắc. Tôi cũng cho rằng con sẽ dễ mất hứng thú với ngôn ngữ này nếu tiếp xúc với nó như là một thứ 'phải học'. Tôi muốn con tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ để con thoải mái", Lee, một bà mẹ cho cả hai con học trường mẫu giáo tiếng Anh, nói.
Một người cha đồng ý với Lee, anh nghĩ gửi con đến trường mẫu giáo tiếng Anh sẽ là một cách tuyệt vời để xây dựng nền tảng ngoại ngữ vững chắc và có thể đem lại nhiều cơ hội hơn trong tương lai.
“Tôi sống ở Mỹ hơn 10 năm và thường xuyên sử dụng tiếng Anh trong công việc hiện tại. Cho dù con trai tôi học đại học ở Hàn Quốc hay Mỹ, tôi nghĩ nếu con nói tiếng Anh lưu loát sẽ có thể nhận được nhiều cơ hội hơn".
Đắt đỏ
Bên cạnh sự khác biệt về ngôn ngữ, điều chủ yếu khiến các trường mẫu giáo tiếng Anh khác biệt với trường thông thường là học phí.
Năm 2021, trung bình mức phí mỗi tháng ở các trường dạng này tại Seoul là khoảng 1,1 triệu won (850 USD), theo nghiên cứu của World Without Worries about Shadow Education, tổ chức phi lợi nhuận vận động chống lại hagwon.
5 trường mẫu giáo tiếng Anh đắt đỏ nhất đều có học phí hơn 2,5 triệu won/tháng và nằm ở quận Gangnam hoặc Seocho. Edible Village tính phí ít nhất 1,92 triệu won/tháng và yêu cầu thanh toán thêm cho các hoạt động ngoại khóa, đi lại.
Mặt khác, phụ huynh chỉ cần trả trung bình 270.000 won mỗi tháng cho các trường mẫu giáo tư thục không nói tiếng Anh ở Seoul vào năm 2022, theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc. Học phí trung bình ở các trường mẫu giáo công lập không nói tiếng Anh còn thấp hơn nhiều.
Học phí các trường mẫu giáo tiếng Anh lên tới hàng triệu won/tháng. Ảnh: Park Sang Moon. |
Những năm qua, các trường mẫu giáo tiếng Anh nở rộ ở Gangnam và thậm chí nhiều vùng ngoại ô. Bất chấp sự sụt giảm dân số ở Hàn Quốc, số lượng trường mẫu giáo dạng này liên tục tăng trong khi trường bình thường giảm.
Năm 2022, có 811 trường mẫu giáo dạy tiếng Anh trên khắp Hàn Quốc, tăng so với mức 474 vào năm 2017, theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc. Riêng tại Seoul, con số là 311 trường vào năm 2021, so với 224 vào năm 2015, theo World Without Worries about Shadow Education. Trong đó, gần một nửa nằm ở các quận Gangnam, Seocho, Songpa hoặc Gangdong, được biết đến là những khu giàu có nhất ở Seoul.
Ngược lại, số lượng trường mẫu giáo bình thường ở Seoul đã giảm từ 888 vào năm 2015 xuống còn 788 vào năm 2022, theo dữ liệu từ Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc.
Tranh cãi
Cũng như các hình thức giáo dục tư nhân khác, nhiều nhà phê bình lên án các trường mẫu giáo tiếng Anh là nguyên nhân gây bất bình đẳng kinh tế xã hội.
Hiệu quả của các trường mẫu giáo tiếng Anh cũng thường bị đặt câu hỏi và tiếp tục là chủ đề nóng giữa các bà mẹ không thể quyết định chọn trường mẫu giáo tiếng Anh hay trường bình thường.
Trong bài báo nghiên cứu “Song ngữ trong những năm đầu đời: Khoa học nói gì”, các tác giả Krista Byers-Heinlein và Casey Lew-Williams, giáo sư tâm lý học tại Đại học Concordia ở Montreal (Canada) và Đại học Princeton, đã tuyên bố rằng “trộn ngôn ngữ”- khi trẻ song ngữ kết hợp các từ của hai ngôn ngữ trong cùng một câu - là một phần bình thường của quá trình phát triển song ngữ và có thể được coi là một dấu hiệu của sự khéo léo, không phải sự nhầm lẫn.
Theo nghiên cứu, trẻ song ngữ không có nhiều khả năng gặp khó khăn về ngôn ngữ, chậm trễ trong học tập hoặc được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ngôn ngữ hơn so với trẻ đơn ngữ. Chúng có nhiều khả năng thể hiện lợi thế nhận thức và hiểu biết xã hội tốt hơn.
Các sản phẩm làm trên lớp của học sinh trường mẫu giáo Edible Village. Ảnh: Park Sang Moon. |
Tuy nhiên, các chuyên gia địa phương lập luận rằng không phải trường mẫu giáo tiếng Anh nào ở Hàn Quốc cũng đem lại những lợi ích tương tự bởi vì một số, đặc biệt là những nơi tự quảng cáo là học viện “dựa trên nghiên cứu”, có xu hướng khiến trẻ em bị căng thẳng không cần thiết.
Trong một báo cáo về tác động của việc học tiếng Anh từ khi còn nhỏ, Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Hàn Quốc, đã cảnh báo các bậc cha mẹ không nên thể hiện “sự nhiệt tình thái quá” đối với việc giáo dục tiếng Anh cho trẻ nhỏ, cho rằng việc gửi trẻ đến các trường mẫu giáo tiếng Anh có thể tạo thêm “gánh nặng học tập quá mức”.
Viện khuyến nghị cho trẻ em học tiếng Anh từ bậc tiểu học, sau khi các em đủ nhận thức và thành thạo tiếng mẹ đẻ.
Kim Hyeon-jung, cha của một cậu bé 4 tuổi ở quận Guro, Seoul, quyết định gửi con đến trường mẫu giáo bình thường vì muốn con học tiếng Hàn trước.
“Con trai tôi mới bắt đầu biết nói. Tôi thậm chí không biết liệu con có hứng thú với tiếng Anh hay không và tôi không muốn làm con căng thẳng bằng cách ép con học một ngôn ngữ mới", Kim chia sẻ.