Những người từ bỏ công việc dù mang lại sự nổi tiếng

Sự nguy hiểm từ tuyết lở, thời tiết khắc nghiệt và quyền lợi không được đảm bảo khiến những người leo núi thuộc tộc Sherpa (Nepal) không muốn con cái nối nghiệp họ.

Công việc hướng dẫn leo núi là kế sinh nhai duy nhất của những người sống trong bộ tộc Sherpa. Ảnh: Time Magazine.

Kami Rita Sherpa (53 tuổi), người leo núi và hướng dẫn viên kỳ cựu thuộc tộc Sherpa, nhớ như in khoảnh khắc đưa con trai đến nơi làm việc của mình. Tuy nhiên, ý định của ông không phải là truyền cảm hứng cho con nối nghiệp.

Cuối năm 2021, người giữ kỷ lục về số lần chinh phục đỉnh Everest nhiều nhất đã dẫn Lakpa Tenzing (24 tuổi) đến bên dưới “nóc nhà của thế giới” để khuyên bảo anh suy nghĩ cho con đường tiếp theo.

“Đó là một cuộc đấu tranh, hãy nhìn bố này. Bố không thấy tương lai ở đó”, ông Kami chia sẻ với con trai.

Cảnh tượng này khá phổ biến trong các ngành nghề được truyền qua nhiều thế hệ. Khi tính toán về rủi ro và lợi nhuận mang lại, nhiều gia đình thuộc tộc người thiểu số ở Nepal đang tranh luận việc từ bỏ ngọn núi, theo The Straits Times.

Lời hứa suông

Sự nguy hiểm của công việc hướng dẫn đoàn người chinh phục đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất, với khả năng té ngã, tuyết lở và thời tiết khắc nghiệt, luôn hiện hữu theo năm tháng.

Gần 1/3 trong số 315 trường hợp tử vong được ghi nhận trên Everest trong một thế kỷ qua là người Sherpa, theo The Himalayan Database, một cơ quan lưu giữ hồ sơ leo núi.

Chỉ trong tháng 4/2023, 3 người Sherpa đã chết khi họ bị một cột băng ở dòng sông gần trại căn cứ trên núi đâm trúng.

Mức lương dành cho các hướng dẫn viên cũng khá khiêm tốn, trừ những người lọt vào câu lạc bộ ưu tú, sau nhiều năm leo trèo mệt mỏi và được công nhận.

Những người mới vào nghề kiếm được khoảng 4.000 USD (5.300 SGD), trừ chi phí sắp xếp thiết bị, cho chuyến thám hiểm Everest mỗi mùa một lần, chiếm phần lớn thu nhập hàng năm của họ.

leo dinh Everest anh 1

Những rủi ro khi leo núi khiến công việc này trở nên nguy hiểm, không ít người đã "sinh nghề tử nghiệp". Ảnh: NPR.

Nhưng điều khiến phần lớn thế hệ đi trước của Sherpa rời bỏ ngành công nghiệp này và ngăn cản con cái họ theo đuổi nó chính là sự kém an toàn.

Nếu một hướng dẫn viên bị tàn tật hoặc chết, gia đình người đó cũng hưởng rất ít phúc lợi - các khoản thanh toán bảo hiểm bị hạn chế và quỹ trợ cấp mà chính phủ đã hứa hẹn cũng “không thấy đâu”.

Nhiều người bỏ nghề để di cư ra nước ngoài, một con đường chung nhằm tìm kiếm việc làm tốt hơn là sống tại một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á.

Một số khác thì làm bất cứ công việc nào họ có thể ở Nepal.

“Tôi sẽ không đề nghị những đứa con được nuôi dạy trong hoàn cảnh khó khăn của mình lên núi và tiếp tục công việc đầy rủi ro đó”, ông Kaji Sherpa, người đã nghỉ việc vào năm 2016 sau 8 năm làm hướng dẫn viên và trở thành nhân viên bảo vệ cho một thủy điện địa phương, cho biết.

Ông sống sót sau một trong những thảm họa chết chóc nhất trên đỉnh Everest, khi trận tuyết lở vào năm 2014 đã giết chết 16 người Sherpa.

Nhiều hướng dẫn viên hy vọng rằng thảm kịch sẽ thúc đẩy các biện pháp an toàn mới và cung cấp bảo hiểm nhân thọ cho họ.

Không ít người thậm chí đe dọa hủy bỏ các chuyến chinh phục Everest, nguồn thu mang lại hàng triệu USD mỗi năm cho Nepal.

Trước sức ép lớn dần, chính phủ phải công bố quỹ phúc lợi dành cho nhóm hướng dẫn leo núi. Nhưng theo các quan chức và nhà lãnh đạo đoàn thám hiểm, quỹ này chưa bao giờ được kích hoạt.

Trong khi các chính sách bảo hiểm đã được cải thiện, họ chỉ cung cấp cho gia đình người Sherpa khoảng 11.000 USD trong trường hợp tử vong và khoảng 3.000 USD với những ai bị thương.

Các nhà chức trách cũng đưa ra một khoản bảo đảm khoảng 5.000 USD để trang trải chi phí cho hoạt động cứu hộ trong tình huống xảy ra tai nạn.

Với nỗ lực tạo thêm nhiều cơ hội việc làm trên núi, chính phủ Nepal gần đây đã ban hành quy định yêu cầu những người khuân vác và bò Tây Tạng phải mang thiết bị từ Syangboche, địa điểm của sân bay gần Everest nhất, ở độ cao 3.800 m, đến trại căn cứ (5.300 m).

Tuy nhiên, quyết định này đã bị đảo ngược sau khi nhóm điều hành đoàn thám hiểm phàn nàn rằng không có đủ nhân lực.

Bỏ nghề

Trong số những người đã bỏ lại những ngọn núi phía sau có ông Apa Sherpa, một hướng dẫn viên nổi tiếng, cá nhân giữ hầu hết kỷ lục về đỉnh Everest cho đến khi ông Kami Rita Sherpa phá vỡ nó vào năm 2018.

Apa Sherpa, hiện 63 tuổi, chuyển đến Utah vào năm 2006 và định cư cùng gia đình ở đó.

“Tất cả là vì giáo dục. Cả bố và mẹ tôi đều không được học hành nên ông ấy đã làm việc chăm chỉ trên núi”, Tenzing Sherpa, con trai cả và là kế toán tại một công ty công nghệ sinh học, nói với The Straits Times.

Đối với Kami Rita Sherpa, quyết định ngăn cản con trai theo ông lên đỉnh Everest xuất phát từ hành trình gian khổ của chính mình.

Mặc dù thuộc tầng lớp Sherpa ưu tú - đã chinh phục Everest 26 lần - thu nhập của ông chỉ đủ trang trải chi phí cho gia đình 4 người. Họ sống trong một căn hộ thuê ở Kathmandu.

Mỗi mùa xuân đến, khi Kami dẫn đầu chuyến thám hiểm tiếp theo tới “nóc nhà của thế giới”, gia đình ông đều nín thở.

“Tôi ngày đêm cầu nguyện và thắp nến tại bảo tháp Boudhanath cho sự bình an của chồng khi anh ấy xa nhà. Tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy chồng mình bước qua cánh cửa đó”, bà Lakpa Jangmu, vợ ông, bày tỏ.

Kami cho biết ông sẽ tiếp tục leo núi trong phần còn lại của sự nghiệp.

“Nếu tôi còn làm, rất nhiều người Sherpa sẽ kiếm được tiền từ công việc khuân vác. Tôi sẽ chiến đấu ít nhất trong vài năm nữa”, ông nói.

leo dinh Everest anh 2

Quyền lợi của các hướng dẫn viên không được đảm bảo dù họ mang lại hàng triệu USD mỗi năm cho đất nước. Ảnh: National Geographic.

Nhưng ông và vợ đã đảm bảo con đường khác cho con cái của họ. Pasang (21 tuổi), con gái, đang học kỳ cuối chương trình cử nhân công nghệ thông tin. Còn con trai Lakpa (24 tuổi), sẽ lấy bằng quản lý du lịch.

“Tôi hiểu những di sản mà cha mình cố gắng gìn giữ. Tôi dự định trở thành một nhiếp ảnh gia phong cảnh. Điều đó sẽ giúp tôi ở gần ngọn núi hơn, nhưng với tầm nhìn từ xa”, Lakpa chia sẻ.