Những "thanh niên bốn không" ở Trung Quốc

Gần đây, một thuật ngữ mới “tứ bất thanh niên” (thanh niên bốn không) đã trở nên phổ biến trên Internet Trung Quốc, chỉ những người trẻ tuổi “không yêu đương, không kết hôn, không mua nhà, không sinh con”.

Lệnh Hồ Y quê ở Quý Châu, rời quê năm 14 tuổi khi chưa học xong phổ thông cơ sở, từng làm việc ở Ôn Châu, Thanh Đảo và Vân Nam để kiếm sống. Lệnh nói rằng, không phải anh không muốn tìm bạn đời, mua nhà, kết hôn hay sinh con, mà đơn giản là vì không có khả năng đạt được những mục tiêu này.

Lệnh nói: “Muốn tìm bạn gái, tôi không có thời gian vì tôi phải đi làm từ tám giờ sáng đến mười giờ đêm và đôi khi có thể làm đến 11 hoặc 12 giờ khuya. Thời gian nghỉ ngơi hàng tháng rất ít, lương thực sự không cao lắm và tôi không có khả năng tài chính để chi tiêu cho việc đi chơi với bạn bè... Không có bạn bè thì không có giao tiếp xã hội, không có giao tiếp xã hội thì không có người để theo đuổi. Còn về nhà ở, tôi hoàn toàn không dám nghĩ tới”.

Ba năm vừa qua, trong điều kiện chống dịch nghiêm ngặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị tăng cao kỷ lục. Cảm xúc lựa chọn “bốn không” tích tụ và bùng phát tập trung trong thời kỳ dịch bệnh, trở thành lối sống được nhiều người trẻ lựa chọn.

Giang X, lớn hơn Lệnh Y một chút, đến từ Cam Túc. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tới sống ở Thành Đô và làm việc trong ngành xây dựng. Anh cho biết, chính trong thời gian dịch bệnh, anh càng thấy rõ và quyết tâm thực hiện “bốn không”.

Vào năm 2022, với sự nâng cấp kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, anh thấy trên Internet lan truyền một số bi kịch vì không đủ khả năng trả nợ thế chấp mua nhà. Ví dụ, có những việc như nhảy lầu hoặc vỡ nợ. Giang cho biết để tránh áp lực nặng nề về kinh tế, anh quyết định không mua nhà.

“Có một thực tế không thể chối cãi là sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại. Trong tương lai, tôi không chắc liệu thu nhập của mình có liên tục tăng như những năm trước dịch hay không. Vì vậy, không mua nhà, không kết hôn, không sinh con, giảm chi tiêu là lựa chọn tốt nhất cho tôi lúc này”.

Các nguồn tin chỉ ra rằng “tứ bất thanh niên” ở Trung Quốc thực ra đến từ mọi thành phần, tầng lớp xã hội khác nhau. Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt về mọi mặt, họ đều không hẹn mà nên chọn lối sống “bốn không” này và nhiều người trong số họ là “hải quy” (người từ nước ngoài trở về).

Theo dữ liệu do Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố, sau khi dịch bệnh bùng phát, số lượng du học sinh trở về nước là rất lớn. Vào năm 2021, số lượng sinh viên trở về Trung Quốc để làm việc lần đầu tiên vượt quá một triệu người; không ít người đã trở thành “thanh niên bốn không”, cơ bản là ở nhà sau khi tốt nghiệp các trường nổi tiếng.

Mặc dù họ có nền tảng giáo dục xuất sắc, nhưng họ khó tìm được vị trí của mình trong xã hội khi kinh tế Trung Quốc suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao. “Tazi” (cặp đôi) là một kiểu giao tiếp xã hội mới, không giới hạn ở cùng nhau ăn uống, du lịch, cà phê, chơi thể thao, đi xem phim... Những người có cùng sở thích tạo thành một cặp bạn cùng ăn, không chỉ giải quyết được nhược điểm của việc ăn một mình chỉ ăn được một món mà còn cùng nhau chia sẻ chi phí, được ăn nhiều món đa dạng lại tốn ít tiền nhất.

Các hiệu trà sữa đưa ra chiêu “Cốc thứ hai nửa giá”, hai người uống tiết kiệm chi phí hơn một người, “cặp đôi trà sữa” có thể cùng nhau thưởng thức cốc trà sữa nửa giá thứ hai. Sự tồn tại của “cặp bạn ôn thi” không chỉ có thể thêm một người bạn đồng hành trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học nhàm chán mà còn giảm bớt áp lực khi chia sẻ thông tin.

Những thanh niên bốn không ở Trung Quốc - Ảnh 1.
Mấy năm dịch bệnh và suy thoái kinh tế đã tác động mạnh đến lối sống của giới trẻ

“Báo cáo đối tác xã giao năm 2023" của trang “DT Tài Kinh” cho thấy trong số 1.431 phiếu điều tra, 95,8% số người được hỏi có nhu cầu về loại tương tác xã hội này. “Tazi” dường như đã hình thành trụ cột tinh thần của những người trẻ tuổi đương thời.

Điều kiện chọn “Tazi” rất đơn giản: có cùng thị hiếu, cùng sở thích, cùng khẩu vị, xu hướng đều có thể trở thành lý do để các bạn trẻ kết thành cặp đôi. Không cần có sự cộng hưởng về tinh thần chứ đừng nói đến việc có tiếng nói chung, điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu giao tiếp xã hội của những người trẻ tuổi mà còn giảm chi phí cơ bản về thời gian, năng lượng và cảm xúc cần thiết để duy trì các mối quan hệ. Sự phổ biến của “Tazi” phản ánh một đặc điểm chính trong đời sống xã hội của giới trẻ đương đại: đi cùng nhau mà không làm phiền nhau.

Theo số liệu thống kê của Bộ Dân chính Trung Quốc năm 2022, số lượng người kết hôn ở Trung Quốc đã giảm trong 8 năm liên tiếp. Năm 2021, số lượng người kết hôn chỉ dưới 8 triệu, mức thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê liên quan 36 năm qua; trong số đó, gần một nửa số người kết hôn tuổi ngoài 30 tuổi cũng đạt mức cao mới. “Hôn nhân không đồng nghĩa với hạnh phúc” đang là suy nghĩ của khá nhiều người…

Ngoài ra, kết hôn và mua nhà ở các đô thị như Quảng Châu và Thâm Quyến cũng là một khoản chi tiêu lớn. Ngay cả những người thuộc đẳng cấp trên cũng cần phải cân đo đong đếm cẩn thận. Một nhà kinh doanh vàng bạc nói: “Những người xung quanh tôi, cho dù có mức thu nhập trung bình hàng tháng từ 10.000 đến 20.000 tệ (35 đến 70 triệu VND), vẫn chỉ dám ngắm hoa. Trừ khi gia đình có thể hỗ trợ rất lớn, nếu không họ không dám có ý định kết hôn”.