Thời điểm áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, đổ bộ đất liền
Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, hồi 10h ngày 18.9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 16,7 độ vĩ Bắc, 113,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông với cường độ cấp 7, giật cấp 9.
Dự báo, đến 10h ngày 19.9, mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị - Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110km về phía Đông Đông Nam. Chiều 19.9, bão đi vào đất liền Quảng Trị - Quảng Nam, sau đó suy yếu.
Mực nước triều vào thời gian dự kiến bão đổ bộ (từ 17h ngày 19.9 đến 7h ngày 20.9) tại các trạm Cửa Gianh (Quảng Bình) là từ 0,7 - 1,8m; Cửa Việt (Quảng Trị) từ 0,7 - 1,4m; Đà Nẵng (Đà Nẵng) từ 0,7 - 1,3m.
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết từ ngày 18 - 19.9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100 - 300mm, có nơi trên 500mm. Thanh Hóa, Nghệ An từ 70 - 150mm, có nơi trên 250mm. Tây Nguyên từ 40 - 80mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 18 - 21.9, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Nam xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3 - 7m. Đỉnh lũ thượng nguồn sông Mã, sông Bưởi (Thanh Hóa), thượng lưu sông Cả (Nghệ An) lên mức báo động 1 (BĐ1) - BĐ2 và trên BĐ2. Sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) BĐ2 - BĐ3. Hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông La (Hà Tĩnh), sông Cả (Nghệ An) ở mức BĐ1. Các sông từ Quảng Bình - Quảng Nam ở mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2. Riêng các sông nhỏ ở Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng lên mức BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.
Kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú
Thực hiện nghiêm túc Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17.9.2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh thành theo dõi sát diễn biến của bão trong đó tập trung kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu Du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
Tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu đảm bảo an toàn. Tùy theo diễn biến của bão chủ động cấm biển. Kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, rà soát cụ thể, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển. Có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ.
Bên cạnh đó, hướng dẫn thu hoạch, đảm bảo nuôi trồng thủy sản. Kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ.
Bộ yêu cầu có công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công. Tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố nhà ở, công trình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện.
Tập trung lực lượng thu hoạch diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Đối với miền núi, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Sẵn sàng tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Đồng thời, kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu. Bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.