Trong số 14.555 người 18-29 tuổi ở Nhật Bản được Tổ chức Nippon khảo sát, 44,8% từng có ý định tự tử khi đối mặt với những bế tắc như mối quan hệ khó khăn với người thân, bị bắt nạt và lo lắng về con đường học vấn/sự nghiệp tương lai.
Trong số này, 40% cho biết họ từng cố gắng tự tử hoặc thực hiện một số bước để chuẩn bị tự sát, Mainichi đưa tin.
Chấn thương, chẳng hạn như lạm dụng tình dục và bắt nạt, đóng vai trò quan trọng. Và khi kết hợp lại, chúng làm tăng khả năng xảy ra những suy nghĩ tiêu cực.
Nippon công bố kết quả vào tháng 4 sau khi tổng hợp dữ liệu từ cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện ngày 10-18/11/2022.
Tại Nhật Bản, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh niên cho cả hai giới vào năm 2019, 2020 và 2021, dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy. Trong những năm đó, lần lượt 2.117, 2.521 và 2.611 người trong độ tuổi 20-29 tự sát, theo cảnh sát. Năm 2022, 2.483 người trong độ tuổi này tự sát.
Nhiều thanh niên xứ Phù Tang từng có ý định tự tử vì gặp khó khăn trong cuộc sống. Ảnh minh họa: Keisuke Muneoka. |
Theo Tổ chức Nippon, cứ 7 người được khảo sát thì có một người từng bị bạo lực tình dục. Họ có khả năng nghĩ đến tự tử cao hơn 37 điểm phần trăm so với những người không bị chấn thương tương tự.
Những người chuyển giới và phi nhị nguyên giới, chiếm 10% đối tượng khảo sát, có nhiều khả năng từng bị tấn công tình dục và có ý định tự tử nhiều hơn so với người hợp giới đồng trang lứa. Trong nhóm này, 52,4% từng có ý định tự tử.
Đáng nói, những người có ý định tự tử không muốn nói về điều đó cũng như việc họ không biết các tổ chức công có thể giúp đỡ.
Hơn một nửa số người có ý định tự tử không nói với bất kỳ ai về điều này. Lý do chính được đưa ra là họ không nghĩ rằng đó là điều có thể thảo luận.
Bạn bè đứng đầu danh sách có thể chia sẻ của những người có ý định tự tử với tỷ lệ 12,4%. Chỉ 2,4% tận dụng “cửa sổ tham vấn cộng đồng”, ít hơn so với 4,5% người nói chuyện với cá nhân mà họ gặp lần đầu qua mạng xã hội.
Hầu hết người được hỏi chưa từng có ý định tự tử đều không biết đến các tổ chức công cộng hữu ích. Việc thiếu nhận thức có khả năng ngăn cản sự hỗ trợ cần thiết.
“Chừng nào bức tường ‘không biết’ vẫn còn, ngay cả khi người có ý định tự tử nói chuyện với ai đó, họ có thể không được hướng dẫn đến nhóm hỗ trợ”, đại diện Nippon nói.
Tổ chức kêu gọi sự hỗ trợ từ xã hội, nơi mọi người nhận ra rằng chính họ có thể thấy mình trong tình huống như vậy.