Xây dựng đội tuyển dựa trên nền tảng giải quốc nội là nguyên tắc thép ở hầu hết nền bóng đá. Với một giải đấu ít cầu thủ xuất ngoại như Việt Nam, điều đó càng rõ ràng hơn.
Nhưng HLV Troussier không nghĩ vậy. Rất nhiều trụ cột đội tuyển hiện nay không đạt phong độ cao ở V.League, rất nhiều CLB hàng đầu hiện nay không được đóng góp cho tuyển quốc gia.
Ông Troussier (áo đen) đã thua HLV Shin Tae-yong trong cả hai lần đối đầu gần nhất. Ảnh: Bảo Ngọc. |
V.League là gì với ông Troussier?
Thực tế ấy được thể hiện nhiều lần dưới thời HLV Troussier và một lần nữa trong trận gặp Indonesia tại lượt đi vòng loại World Cup 2026.
Trước Indonesia, 4 trong 11 vị trí đá chính của tuyển Việt Nam tới từ Thể Công - Viettel, đội bóng sa sút khủng khiếp và đang đứng ở chót bảng xếp hạng V.League. Chiều ngược lại, ba CLB dẫn đầu Nam Định, Bình Dương, Công An Hà Nội chỉ có 3 cái tên.
Họ chơi ra sao, ai cũng thấy. Trong 4 người của Thể Công - Viettel, hai cái tên rời sân sớm còn Phan Tuấn Tài mắc lỗi trực tiếp ở bàn thua. Sự sa sút của Viettel là điều cần nhấn mạnh đặc biệt. CLB này không còn là chính họ từ đầu mùa tới giờ.
Kể từ khi thăng hạng ở mùa 2019, Viettel chưa từng tệ như hiện tại. Tuy nhiên, hàng thủ tuyển Việt Nam vẫn đang được xây dựng dựa trên họ. Trước đó tại Asian Cup, Việt Nam cũng thua Indonesia bởi sai lầm của một cầu thủ Viettel (Nguyễn Thanh Bình).
Chiều ngược lại, đội đầu bảng Nam Định có đúng hai cái tên trong danh sách 28 cầu thủ tập trung cho hai trận gặp Indonesia, trong đấy chỉ Nguyễn Văn Toàn được vào sân từ ghế dự bị.
Đương kim vô địch V.League Công An Hà Nội cũng chia sẻ nỗi ấm ức này khi hàng loạt trụ cột của họ bị ngó lơ. Bộ đôi hậu vệ cánh có phong độ cực ở giải quốc nội là Vũ Văn Thanh, Hồ Tấn Tài đều dự bị trước Indonesia. Cộng thêm Văn Toàn, Tiến Linh, họ hợp thành băng ghế dự bị chất lượng bậc nhất lịch sử tuyển Việt Nam.
Điểm chung của nhóm cầu thủ trên: Là trụ cột dưới triều đại Park Hang-seo.
Trong số này, Quang Hải đáng được nhắc riêng. 6 trận chính thức của tuyển Việt Nam từ tháng 11 năm ngoái tới giờ, Hải mới vào sân hai lần.
Trước Indonesia, khi tuyển Việt Nam bị dẫn từ phút 42, ông Troussier dùng cả 5 quyền thay người cho hàng công nhưng không có Quang Hải. Nên nhớ, Hải đang là chân sút nội tốt nhất V.League, có phong độ và đẳng cấp cao nhất đội tuyển.
CLB Thể Công - Viettel của Hoàng Đức (số 14) chơi tệ nhưng vẫn đóng góp hàng loạt cầu thủ đá chính cho tuyển Việt Nam. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Khác biệt về chiến thuật và đánh giá con người
Điều đó cho thấy đang có sự khác biệt rất lớn về cách đánh giá con người giữa đội tuyển Việt Nam và V.League.
Khác biệt ấy trước hết tới từ thực tế khách quan là đội tuyển đang triển khai một lối chơi hoàn toàn khác với những CLB ở giải quốc nội. HLV Troussier luôn tự hào với năng lực kiểm soát bóng của tuyển Việt Nam, đội hiếm hoi cầm bóng trên 40% trước Nhật Bản. Phong cách bóng ngắn, kiểm soát ấy là điều không nhiều CLB ở V.League làm được, bao gồm cả những đội nhóm đầu như Bình Dương, Công An Hà Nội và Nam Định.
Khác biệt ấy còn tới từ đánh giá con người mà minh chứng là trường hợp của Hoàng Đức. Ông thầy người Pháp từng nói Hoàng Đức có thể giành thêm Quả bóng vàng nhưng vẫn chưa phù hợp với đội tuyển của ông. Thực tế sau đó là Hoàng Đức đã giành bóng vàng và vẫn không được trọng dụng. Gặp Indonesia hôm 21/3 mới là trận chính thức đầu tiên của Hoàng Đức kể từ tháng 11.
Hồ Tấn Tài, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức giống nhau ở điểm đá chính dưới thời Park Hang-seo và dự bị khi ông Troussier lên nắm quyền.
Đó có lẽ cũng là cách giải thích tương tự dành cho Tấn Tài, Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng và nhiều cái tên khác.
Điều kỳ lạ là vẫn những cầu thủ ấy đã tỏa sáng rực rỡ dưới thời HLV Park Hang-seo, đã thi đấu và đáp ứng được chuẩn mực tương tự tại Asian Cup 2019 cùng toàn bộ chiến dịch vòng loại thứ ba World Cup 2022. Một vài người trong số họ có thể không phù hợp với ông Troussier, nhưng cả một nhóm cầu thủ đều không phù hợp hả?
Thực tế cũng chứng minh khi được tung vào sân, nhiều người trong nhóm này đã thể hiện được năng lực. Tuyển Việt Nam trước Indonesia vừa qua đã có thế trận sáng sủa hơn hẳn hồi Asian Cup khi tuyến giữa được gia cố bởi Hùng Dũng, Hoàng Đức. Tiến Dũng chơi ổn định. Tất cả họ đều đang ở tuổi đỉnh cao, người nhiều tuổi nhất (Hùng Dũng) cũng chưa tròn 31.
Trong thời đại khoa học thể thao đang giúp kéo dài “tuổi thọ” cầu thủ, khi những ví dụ kiểu Ronaldo, Messi, Modric không còn là cá biệt, HLV Troussier dường như đang đi ngược dòng chảy. Trẻ hóa là tốt, nhưng trẻ hóa kiểu cực đoan thì cần được xem xét lại, nhất là khi các kết quả đi kèm là thiếu tích cực.
Bản thân ông Troussier không phải HLV trưởng tuyển Việt Nam đầu tiên có những “lệch pha” với V.League. Tuy nhiên, cực đoan tới mức này thì chưa từng. HLV Park Hang-seo nhiều lần chỉ trích giải quốc nội những quan điểm xây dựng nhân sự dựa trên bộ khung CLB Hà Nội - Viettel - HAGL thì chưa từng thay đổi. HLV Toshiya Miura và Nguyễn Hữu Thắng cũng tương tự.
Sự cực đoan của ông Troussier dẫn tới hai chuyện. Thứ nhất, V.League không thể cung cấp các nguồn lực cần thiết từ con người tới lối chơi cho đội tuyển.
Thứ hai, nó tạo dư luận không lành mạnh trong lòng đội tuyển khi một cầu thủ không hiểu anh ta cần làm gì, phải chứng minh ra sao, phải thể hiện thế nào để thuyết phục HLV trưởng. Cố gắng làm gì khi không được đánh giá đúng?
Bầu không khí u ám ấy chỉ có thể được xua tan bằng một chiến thắng. Nhưng lúc này, tuyển Việt Nam đủ sức không? Ông Troussier đủ sức không?
Mục Thể thao giới cuốn sách nổi tiếng viết về bóng đá châu Phi mang tên "Bàn chân của tắc kè hoa" xuất bản vào năm 2010 của tác giả Ian Hawkey. Chân dung của tân HLV trưởng tuyển Việt Nam, Philippe Troussier, cũng sẽ hiện lên phần nào trong cuốn sách này.