Vụ đòi lại mảnh đất cho mượn ở Cao Bằng: Quy trình cấp sổ đỏ trái quy định

Admin
Dù bị đơn thừa nhận mảnh đất đang tranh chấp là do nguyên đơn cho mượn, dù đại diện VKSND khẳng định thủ tục cấp bìa đỏ là không đúng pháp luật nhưng tòa án vẫn tuyên bị đơn được hưởng mảnh đất đang tranh chấp.
Nhiều năm nay, vụ án tranh chấp đất đai giữa gia đình cựu chiến binh Hoàng Văn Tiến (trú tại phường Sông Hiến, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) và gia đình ông Mã Văn Chỉnh (trú cùng địa chỉ) đã nhận được sự chú ý của dư luận địa phương.
 
Theo gia đình ông Tiến, mảnh đất khoảng mười nghìn mét vuông đang tranh chấp tại thôn Đồng Tâm (phường Sông Hiến) vốn là của bố đẻ ông Tiến. Năm 1967, vì thương ông Chỉnh không có đất ở và sản xuất nên bố ông Tiến đã cho ông Chỉnh mượn mảnh đất này để canh tác.
 
Trong quá trình ông Chỉnh sử dụng, gia đình ông Tiến vẫn giám sát. Năm 1987, gia đình ông Chỉnh có ý định xây một căn nhà kiên cố nhưng gia đình ông Tiến không đồng ý. Vì thế, căn nhà chỉ xây xong móng thì bỏ giở, hiện vẫn nguyên trạng.
 
Sự việc trôi qua thời gian dài. Đến năm 2004, khi phát hiện có người lạ kéo máy móc vào san gạt đất, ông Tiến ra ngăn cản thì mới biết mảnh đất đã bị ông Chỉnh tự ý xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) đứng tên ông Chỉnh từ năm 1991.
 
Trong biên bản hòa giải được lập tại UBND phường Sông Hiến (năm 2005), với sự chứng kiến của Chủ tịch UBND phường Sông Hiến, Trưởng Công an phường Sông Hiến, trưởng các tổ chức chính trị xã hội địa phương và trưởng thôn cùng những hộ dân xung quanh mảnh đất tranh chấp, ông Chỉnh đã thừa nhận mảnh đất tranh chấp là được bố ông Tiến cho mượn để ở và canh tác. Biên bản hòa giải được lập với sự công nhận bằng con dấu của UBND phường Sông Hiến, tất cả những người chứng kiến đều ký tên xác nhận.
 
 
Qua xác minh của phóng viên, đến thời điểm hiện tại (năm 2020), ông Chỉnh vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên với sự có mặt của đông đảo con cháu trong gia đình, ông Chỉnh tiếp tục thừa nhận mình được gia đình ông Tiến cho mượn đất. Ông Chỉnh còn nói thêm rằng “khi tôi được mượn đất thì cây trồng trong vườn đã to bằng đòn tay (bắp tay) rồi”.
 
Ông Đinh Ngọc Tục (trú phường Sông Hiến), nguyên là trưởng thôn Đồng Tâm, người chứng kiến việc lập biên bản hòa giải tranh chấp đất giữa gia đình ông Tiến và gia đình ông Chỉnh khẳng định thời điểm lập biên bản ông Chỉnh đã nhiều lần nói rằng mình được gia đình ông Tiến cho mượn đất, việc ông Chỉnh thừa nhận và ký tên vào biên bản là hoàn toàn tự nguyện, không bị áp lực hay ép buộc vì xung quanh đều là cán bộ phường.
 
Thừa nhận là đất được gia đình ông Tiến cho mượn nhưng gia đình ông Chỉnh vẫn không chịu trả. Để đòi lại mảnh đất, ông Tiến đã khởi kiện vụ án ra TAND tỉnh Cao Bằng.
 
Trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp đất đai vào ngày 20/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng, ông Tiến đã khẳng định về nguồn gốc mảnh đất tranh chấp với các bằng chứng và nhân chứng cụ thể. Ông Tiến yêu cầu tòa án hủy các quyết định hành chính của UBND thị xã Cao Bằng (nay là UBND TP Cao Bằng) về việc giao đất giao rừng và cấp bìa đỏ mảnh đất tranh chấp cho ông Mã Văn Chỉnh.
 
Tại phiên tòa, ông Chỉnh vắng mặt, người đại diện cho ông chỉnh là bà Mã Thị Tươi (sinh năm 1974, con gái ông Chỉnh) cho rằng mảnh đất là do ông Chỉnh khai phá và sử dụng ổn định từ năm 1967.
 
Luật sư Nguyễn Đình (người bảo vệ quyền lợi cho ông Tiến tại phiên tòa) nêu ý kiến tại tòa rằng hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Chỉnh có nhiều điểm đáng ngờ gồm biên bản nhận đất không có chữ ký của ông Chỉnh, việc ban hành quyết định giao đất, giao rừng cho ông Chỉnh là trái quy định pháp luật.
 
Đại diện VKSND tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng: “Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa thấy rằng chữ ký trong đơn xin nhận đất rừng không phải chữ ký ông Chỉnh, biên bản nhận đất rừng ông Chỉnh không ký... Không đủ cơ sở để UBND thị xã ra quyết định số 200/QDGĐGR ngày 30/6/1991 giao đất giao rừng cho ông Chỉnh và như vậy không có đủ cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 14/12/1991”.
 
Một nhân chứng quan trọng liên quan đến vụ án là ông Đinh Ngọc Tục cho phóng viên biết rằng ông không được triệu tập đến phiên tòa mà chỉ được lấy ý kiến qua giấy hỏi.
 
Hội đồng xét xử cũng nhận định có đủ căn cứ để xác định được nguồn gốc đất là của bố mẹ ông Tiến, đất được khai phá từ trước năm 1945. Đến năm 1967 thì ông Chỉnh sử dụng.
 
Như vậy, các bằng chứng, nhân chứng, vật chứng đều thể hiện rằng mảnh đất tranh chấp là của gia đình ông Tiến cho ông Chỉnh mượn, thể hiện việc giao đất, giao rừng và cấp bìa đỏ cho ông Chỉnh là trái pháp luật. Nhưng cuối cùng, HĐXX vẫn tuyên án rằng ông Chỉnh sử dụng mảnh đất ổn định trên 30 năm nên có quyền chiếm hữu, các quyết định hành chính giao đất, giao rừng và cấp sổ đỏ cho ông Chỉnh là đúng pháp luật.
 
Sau phiên tòa, ông Tiến đã làm đơn kháng cáo lên tòa cấp cao.
 
Phóng viên đã đến UBND TP Cao Bằng và UBND phường Sông Hiến liên hệ làm việc tuy nhiên không nhận được phản hồi.. Thẩm phán Nguyễn Thị Như (TAND tỉnh Cao Bằng), chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xủ vụ án tranh chấp đất giữa gia đình ông Châu và gia đình ông Chỉnh nói với PV rằng bản án sơ thẩm đang bị kháng cáo nên không có hiệu lực, hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên tòa cấp cao.
 
Quỳnh Như