69% sinh viên từng là nạn nhân của bạo lực trên mạng

Kết quả khảo sát hàng trăm sinh viên 3 trường ĐH tại TP.HCM cho thấy, có tới 69% trường hợp từng là nạn nhân của bạo lực trên không gian mạng.

"Nhận diện và phòng chống hành vi bạo lực trên không gian mạng trong môi trường giáo dục ĐH" là một trong những nội dung được đề cập trong Hội nghị quốc gia về khoa học và công nghệ giao thông vận tải diễn ra tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ngày 16.5.

69% sinh viên từng là nạn nhân của bạo lực trên mạng - Ảnh 1.

Thạc sĩ Ngô Thùy Dung chia sẻ thông tin tại hội thảo

HÀ ÁNH

56% sinh viên bị đánh cắp thông tin, mật khẩu

Trình bày tham luận tại hội nghị, thạc sĩ Ngô Thùy Dung, giảng viên luật khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết bạo lực trên không gian mạng được hiểu là việc sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện hành vi tấn công có chủ đích nhằm xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trên không gian mạng.

Thạc sĩ Thùy Dung lưu ý: "Sinh viên là đối tượng nắm bắt nhanh về công nghệ, có tần suất sử dụng các thiết bị điện tử cao, thời gian hoạt động trên không gian mạng nhiều. Vì vậy, sinh viên có thể trở thành nạn nhân của bạo lực trên mạng xã hội, thậm chí trở thành chủ thể vi phạm".

Để thu thập thông tin thực tế, thạc sĩ Thùy Dung cho biết nhóm tác giả thực hiện tham luận đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 705 sinh viên từ 3 trường ĐH gồm: Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM. Việc khảo sát được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trong thời gian từ ngày 25.3-10.4.

Kết quả khảo sát cho thấy có tới 99,9% sinh viên sử dụng điện thoại, máy tính, máy tính bảng hay các thiết bị số và mạng xã hội. Trong đó, 56% người dùng đã từng bị tấn công, đánh cắp thông tin, mật khẩu tài khoản trong quá trình sử dụng.

Đồng thời, 69% sinh viên tham gia khảo sát cho hay từng là nạn nhân của bạo lực trên mạng bằng nhiều hình thức. Cụ thể là: từng bị người khác bình luận miệt thị khi đăng tải thông tin và hình ảnh trên mạng xã hội; bị người khác gửi các thông tin, hình ảnh, video mang tính chất không lành mạnh; bị người khác phát ngôn, đăng tải, lan truyền thông tin, hình ảnh nhằm bôi nhọ, xúc phạm; bị người khác tiết lộ thông tin bí mật đời tư, gia đình trên mạng…

Khảo sát đồng thời cho thấy sinh viên có thể là người thực hiện những hành vi bạo lực trên không gian mạng một cách trực tiếp hay gián tiếp, cố ý hay vô ý.

69% sinh viên từng là nạn nhân của bạo lực trên mạng - Ảnh 2.

PGS-TS Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng chia sẻ trực tuyến tại hội nghị

HÀ ÁNH

Khi bị bạo lực trên mạng, sinh viên cần phải làm gì?

Nói về lý do thực hiện nghiên cứu trên, thạc sĩ Thùy Dung cho biết: "Thực tế giảng dạy và quá trình làm việc với sinh viên cho thấy bạo lực trên không gian mạng thực sự là mối đe dọa với các em. Vì vậy, việc thông tin và có những biện pháp chủ động phòng tránh là hết sức cần thiết".

Nhóm tác giả nghiên cứu bao gồm thạc sĩ Thùy Dung và thạc sĩ Trần Trung Nguyên, giảng viên Trung tâm đào tạo thường xuyên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng đưa ra một số giải pháp phòng chống bạo lực trên không gian mạng trong môi trường giáo dục ĐH.

Theo đó, sinh viên cần nâng cao nhận thức về an ninh mạng và bạo lực trên không gian mạng thông qua tìm hiểu về các loại tấn công mạng và cách phòng ngừa; bảo mật thông tin cá nhân, cảnh giác và cẩn trọng khi sử dụng mạng…

"Khi bị tấn công, xâm hại trên không gian mạng, sinh viên cần bình tĩnh, thu thập chứng cứ (sao chụp lại, lưu giữ hình ảnh, đường link, đề nghị lập vi bằng...), để trình báo cơ quan công an hoặc khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Chủ động liên hệ nhà trường, giảng viên hoặc luật sư để được tư vấn, hỗ trợ trong trường hợp cần thiết", thạc sĩ Thùy Dung lưu ý.

Còn nhà trường cần xây dựng một chính sách cụ thể về bạo lực trên không gian mạng, trong đó nêu rõ các hành vi vi phạm và hình thức xử lý cụ thể; tăng cường kết nối giữa nhà trường, sinh viên, phụ huynh để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, giúp đỡ sinh viên khi bị tấn công. Đồng thời, nhà trường đảm bảo có chính sách phản hồi kịp thời và hiệu quả khi sinh viên hay cán bộ, giảng viên bị bạo lực trên mạng.