Tử Cấm Thành, hay còn gọi là Cố Cung, là khu phức hợp cung điện nằm ở phía Đông Bắc Kinh (Trung Quốc) với diện tích 720.00 m2 và 980 tòa nhà. Công trình được khởi công năm 1406, hoàn thành năm 1420, là nơi sinh sống của nhiều hoàng đế Trung Hoa từ thời nhà Minh tới cuối đời nhà Thanh suốt 500 năm.
Ngoài hoàng tộc, đây còn là nơi sinh sống của hàng chục nghìn phi tần, người hầu qua các đời vua. Do mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi nên nhiều vụ hãm hại đẫm máu đã xảy ra bên trong Tử Cấm Thành. Đây trở thành đề tài cho nhiều bộ phim cung đấu, đồng thời gắn với các câu chuyện kỳ bí, giai thoại đáng sợ trong dân gia, thu hút sự chú ý của đời sau.
Tiêu biểu vào năm 1992, một trận mưa lớn đột ngột đổ xuống khiến đoàn khách tham quan Tử Cấm Thành náo loạn tìm chỗ trú. Ngay lúc đó, một tia sét đánh xuống khiến mọi người vô cùng hoảng hốt.
Sững sờ hơn khi các du khách nhìn thấy trên bức tường đỏ của Tử Cấm Thành lúc này xuất hiện hình ảnh một tốp các cô gái mặc trang phục cung nữ đang bước đi. Tuy nhiên, họ chỉ xuất hiện trong vòng 5 giây rồi biến mất. Một số người trong đoàn du lịch đã kịp dùng máy ảnh chụp lại cảnh tượng đó.
Sự việc nhanh chóng nhận được sự chú ý của dư luận và nhiều lời giải thích khác nhau, nhưng không ai biết chắc chắn câu trả lời là gì.
Mãi sau đó, một số chuyên gia đã phân tích rằng, hình ảnh cung nữ trên tường cung điện rất có thể là do trong tường cung điện Tử Cấm Thành có chứa một lượng lớn sắt oxit (Fe3O4). Vậy nên, khi sét đánh vào bức tường sẽ khiến nó trở thành một cuộn băng ghi hình tự nhiên.
Theo đó giả thuyết được đưa ra là, hơn 100 năm trước, một nhóm cung nữ cũng đã đi lại ở khu vực hành lang này trong một cơn mưa bão rất lớn. Lúc đó những tia sét và bức tường đỏ đã hoạt động như 1 máy ảnh, ghi lại cảnh tượng nhóm cung nữ di chuyển tại đây. Và nhiều năm sau, tình cờ vào một cơn mưa gió tương tự, "máy ảnh khổng lồ" một lần nữa hoạt động, nhưng lần này thay vì ghi lại hình ảnh, nó lại phát ra hình ảnh.
Tuy nhiên, một số kiến trúc sư đã kịch liệt phản đối suy đoán này của các nhà khoa học. Bởi các bức tường của Tử Cấm Thành đã được sơn sửa rất nhiều lần, nếu có sắt oxit thì chúng đã bị che lấp đi từ rất lâu, khó có thể tạo ra chiếc "máy ảnh khổng lồ" kia. Do đó, sự việc kỳ lạ trên đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Mộc Miên (T/h)