Mùa bão 2024 kỷ lục tại Philippines - với sáu cơn bão liên tiếp đổ bộ trong vòng chưa đầy một tháng - đã bị “siêu tăng cường” bởi biến đổi khí hậu, theo phân tích của Tổ chức Phân tích Thời tiết Thế giới World Weather Attribution (WWA).
Từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11.2024, Philippines phải hứng chịu một loạt cơn bão liên tiếp, bắt đầu với bão Trà Mi vào ngày 22.10 và kết thúc bằng bão Man-yi ngày 16.11. Những cơn bão này khiến hơn 200.000 người phải di dời trên khắp sáu khu vực, nhiều người trong số đó bị mất nhà cửa nhiều lần chỉ trong một tháng.
Philippines là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước thời tiết cực đoan. Chuỗi bão liên tiếp trong thời gian ngắn như vậy được các chuyên gia nhận định là “chưa từng có tiền lệ”, ngay cả đối với một đất nước thường xuyên đối mặt với thiên tai.
Theo WWA, biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm các điều kiện hình thành bão mạnh tại Biển Philippines và Biển Tây Philippines (Biển Đông), bao gồm nhiệt độ nước biển cao và độ ẩm lớn. Nghiên cứu cho thấy khả năng xuất hiện các cơn bão có sức gió trên 180 km/h đã tăng 25% so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Sáu cơn bão lớn trong giai đoạn này bao gồm ba siêu bão với sức gió vượt ngưỡng 208 km/h. Điều này nhấn mạnh những thách thức trong việc ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra liên tiếp, đồng thời gây lo ngại vì Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những mùa bão tiếp theo.
Ngày 22.10.2024, bão Trà Mi đổ bộ lên đảo Luzon, gây mưa lớn tương đương lượng mưa trung bình cả tháng, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng. Chỉ vài ngày sau, siêu bão Kong-rey tiếp tục tàn phá, ảnh hưởng đến hơn 9 triệu người và khiến gần 300.000 người phải sơ tán.
Chuỗi bão sau đó gồm bão Yinxing, Toraji, Usagi và cuối cùng là siêu bão Man-yi vào ngày 16.11. Nhật Bản ghi nhận đây là lần đầu tiên trong lịch sử có bốn cơn bão cùng hình thành tại Thái Bình Dương vào tháng 11.
Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng khả năng xuất hiện bão mà còn tác động đến cường độ, lượng mưa và chiều cao sóng do bão gây ra. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng bão đạt cường độ tối đa tại Biển Philippines trong năm nay cao hơn 1,7 lần so với không có biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu quan sát và mô hình khí hậu để so sánh thực tế hiện nay với một thế giới giả định không có sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu do con người gây ra. Kết quả cho thấy sức gió tối đa của bão tăng thêm 7 km/h do biến đổi khí hậu.
Theo Liên Hợp Quốc, đến cuối tháng 11.2024, hơn 250.000 ngôi nhà ở Philippines bị hư hại, hàng trăm người thiệt mạng hoặc bị thương, và thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 47 triệu USD. Chính phủ Philippines đã chi hơn 17 triệu USD viện trợ và kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước láng giềng, Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Tỉ lệ trung bình các cơn bão hình thành từ Philippines và sau đó đi vào Biển Đông dao động trong khoảng 60-70%, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết cụ thể của từng năm.
Các cơn bão thường hình thành ở vùng biển phía đông Philippines, sau đó di chuyển qua các khu vực như Luzon, Visayas hoặc Mindanao và tiến vào Biển Đông.
Sau khi vào Biển Đông, các cơn bão có thể tiếp tục đổ bộ vào các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Trung Quốc, hoặc quay hướng về phía bắc Nhật Bản và Hàn Quốc.