Theo báo điện tử VTV, thông tin từ Cục QLTT Hà Nội, vừa qua, Đội QLTT số 11 phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hà Đông (TP.Hà Nội) tiến hành kiểm tra một shop thời trang trên địa bàn, đã phát hiện trên 250 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Zara… Tổng giá trị hàng hóa trên 150 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng là Đ.T.L.H thừa nhận, số hàng hóa trên được mua gom trôi nổi trên thị trường, hàng không rõ nguồn gốc. Giá trên sản phẩm là tự H. dán vào để phục vụ cho việc bán online.
Theo đó, H đã sử dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội làm nơi kinh doanh để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, sau đó, mặc sức quảng cáo, "thổi giá" và bán các sản phẩm thời trang nhái nhãn hiệu nổi tiếng với mức giá "trên trời" cho người tiêu dùng.
Vậy nhưng khi livestream bán hàng, H lại khẳng định các sản phẩm thời trang của mình là "hàng hiệu" chính hãng của các thương hiệu nổi tiếng. Vì thế, mỗi một sản phẩm áo hoặc quần được rao bán với mức giá từ 6-7 triệu/ đồng/sản phẩm. Thậm chí có sản phẩm bán với mức giá hơn 30 triệu đồng/chiếc áo.
Vì cam kết là hàng hiệu chuẩn và luôn rẻ hơn giá trên thị trường nên không ít người đã tin tưởng và bỏ tiền ra đặt hàng để mua. Đến khi bị cơ quan chức năng vạch trần thì mới "ngã ngửa" vì mua phải hàng dởm.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, khi phát hiện, hàng hóa tại nhà riêng của H có dấu hiệu là hàng giả, thậm chí có cả hàng lậu. H bán ở nhà riêng, không mất tiền thuê kiot, chi phí thuê nhân viên bán hàng và đặc biệt, trốn được thuế. Hiện lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã có phương án xử lý nghiêm trường hợp này.
"Thậm chí, trong khi cơ quan chức năng đang làm thủ tục hoàn tất hồ sơ để xử phạt hành chính, trong sáng 25/4, chủ kênh bán hàng online này vẫn tiếp tục livestream để bán quần áo quảng cáo là hàng hiệu. Hành vi này giống như sự thách thức đối với cơ quan chức năng", VTVNews dẫn lời ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh.
Theo Tri thức trực tuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhận định, từ năm 2018 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm liên quan đến các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, năm 2018-2019, lực lượng QLTT cả nước xử lý gần 10.000 vụ việc, phạt tiền vi phạm hành chính khoảng 84 tỷ đồng. Năm 2022 xử lý 3.069 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 38 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm, lực lượng đã xử lý 1.764 vụ vi phạm với số tiền xử phạt trên 15,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái tiếp tục là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Ông Linh nhận định nhận thức của người tiêu dùng chưa cao, còn khá dễ dãi nên việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn có cơ hội lưu thông.
Vân Anh (T/h)