Trong lần nhật thực đặc biệt ngày 20-4 sắp tới, bạn có thể nghe nhiều người từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau chụp ảnh và báo cáo về nhật thực với hai hình dạng khác nhau.
Đó có thể là nhật thực toàn phần trong đó Mặt Trời bị Mặt Trăng "ăn" trọn, tạo nên một ngôi sao mẹ nhuộm đen hoàn toàn được bao quanh bởi vầng hào quang ma mị.
Nhưng một số nơi khác sẽ báo cáo nhật thực hình khuyên, trong đó Mặt Trời đen được bao vây bởi một chiếc nhẫn rực sáng.
Thủ phạm của hiện tượng này, chính là Trái Đất.
Độ cong của bề mặt Trái Đất sẽ khiến nhật thực có khả năng được nhìn thấy với những khuôn mặt khác nhau mỗi lần xuất hiện, tùy thuộc vào vùng bóng đen nào của Mặt Trăng đang đổ lên Trái Đất - Ảnh: DATE AND TIME
Theo Date and Time, điều này xảy ra khi đường đi của nhật thực khiến người dân ở dải trung tâm (khu vực có thể quan sát nhật thực toàn phần) nhìn về phía Mặt Trời - Mặt Trăng với những khoảng cách khác nhau, do độ cong của bề mặt Trái Đất.
Nói cách khác, điều này chỉ xảy ra khi đường đi của nhật thực trải trên nhiều vĩ độ.
Dải trung tâm của nhật thực lần này trải từ vị trí trên biển nằm gần giữa đường chéo nối mũi Hão Vọng của châu Phi với bờ biển Nam Cực bên dưới nước Úc, lên đến những hòn đảo Thái Bình Dương nằm chếch về phía Đông Đông Bắc Indonesia, tức trải qua rất nhiều vĩ độ.
Đường đi của nhật thực ngày 20-4 - Ảnh: DATE AND TIME
Vì thế, những con tàu lênh đênh ở nơi tiếp giáp Ấn Độ Dương và Nam Băng Dương có thể có cơ hội rất hiếm hoi nhìn thấy nhật thực toàn phần với Mặt Trời phủ bóng đen hoàn toàn.
Nhật thực này sẽ nhanh chóng chuyển thành dạng hình khuyên khi tiến dần về phía nước Úc, khiến người dân một số vùng của Úc, Đông Timor và Indonesia nhìn thấy nhật thực hình khuyên.
Các quốc gia và vùng khác, bao gồm Việt Nam, rất tiếc sẽ không nhìn thấy nhật thực toàn phần lẫn nhật thực hình khuyên vì không nằm ở dải trung tâm.
Một phần đất nước chúng ta vẫn nằm ở khu vực có thể nhìn thấy được nhật thực ở một góc chếch lớn, tức sẽ thấy nhật thực bán phần, một "khuôn mặt thứ ba" của nhật thực lai, trong đó Mặt Trời chỉ bị Mặt Trăng "ăn" mẻ một miếng nhỏ.
Nhật thực lần này khá mờ nhạt khi nhìn từ Việt Nam bởi chúng ta nằm ở dải che phủ thấp nhất, với chỉ một nửa miền Trung và miền Nam quan sát được.