Trưa 9/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã trực tiếp đến hiện trường vụ sập cầu Phong Châu để kiểm tra và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ với các nạn nhân, theo chỉ đạo của Thủ tướng trong công điện vừa ban hành.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu tỉnh Phú Thọ báo cáo sơ bộ thiệt hại từ vụ sập cầu. Theo báo cáo sơ bộ, có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người bị cuốn trôi.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng ngăn chặn 2 đầu cầu và dùng lưới để tìm kiếm người bị rơi xuống sông. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh báo cáo giải pháp cứu hộ đang gặp khó khăn do dòng nước xiết, không thể cho người, phương tiện xuống ngay được.
Theo lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, đây là tuyến lưu thông huyết mạch nên cần phải sửa chữa khôi phục ngay. Tỉnh đề nghị dùng quỹ dự phòng, khẩn cấp để triển khai làm mới cầu, nhưng Bộ GTVT cho biết sẽ phải thực hiện việc này trong 1 năm.
Để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, cơ quan chức năng cho biết sẽ tính toán phương án làm cầu phao tại đây.
Lúc 13h26 ngày 9/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, cho biết lực lượng chức năng đã giải cứu, vớt được 3 nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu.
Theo vị lãnh đạo, cả 3 nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu. Trong đó, có một người trong tình trạng nguy kịch, 2 nạn nhân còn lại sức khỏe đã ổn định.
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, các lực lượng công an, quân đội, y tế đang túc trực tại cầu Phong Châu, đầu huyện Tam Nông. Lực lượng cảnh sát cứu hộ cứu nạn đã chuẩn bị sẵn áo phao, dây cứu sinh, bình oxi... để tổ chức cứu nạn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng đoàn công tác của Bộ GTVT và Ủy ban ATGT quốc gia đang đến điểm cầu sập. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa điều phối lưu thông, hướng dẫn các phương tiện đường thủy không đi vào khu vực cầu sập.
Các đơn vị của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương triển khai các phương án tìm kiếm các nạn nhân và xử lý sự cố.
Tại Phú Thọ, sau khi kiểm tra hiện trường và nghe các đơn vị chức năng báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang chỉ đạo trước mắt, công an tỉnh cần triển khai phương án phân luồng giao thông ở tất cả các hướng để tránh phương tiện từ Hà Nội lên và các tỉnh khác về đi qua cầu Phong Châu, đảm bảo phân luồng từ xa.
Các lực lượng quân đội, công an, y tế... sẵn sàng phương án để triển khai cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực để triển khai phương án khi đảm bảo các yếu tố an toàn.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ).
Sự cố sập nhịp cầu Phong Châu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo thông tin ban đầu có một số phương tiện giao thông và người bị rơi xuống sông.
Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Cùng với việc rà soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, các địa phương kiên quyết không để người dân qua lại nếu không bảo đảm an toàn; Thủ tướng yêu cầu rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.
Cầu Phong Châu là cây cầu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Cầu có lý trình tại Km18+300 Quốc lộ 32C, kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.