Trung Quốc sẽ coi sinh con là một loại công việc được trả lương?

Một chuyên gia nhân khẩu học ở Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ hãy “trả lương” cho các cặp vợ chồng sinh con nhằm tạo động lực chống lại cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh.

Khi coi sinh nở và nuôi con là một công việc có thu nhập, nhiều người có thể sẽ thay đổi ý định về việc lập gia đình. Ảnh minh họa: Kenishirotie/Dreamstime.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các nhà chức trách Trung Quốc phải đối phó với tình trạng sụt giảm dân số nghiêm trọng ở xứ tỷ dân, SCMP đưa tin.

Tháng 4, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với dân số ước tính là 1,42 tỷ người, trong khi dân số Trung Quốc là 1,41 tỷ người.

Năm 2022, Trung Quốc lần đầu chứng kiến dân số giảm sau 60 năm, với chỉ 9,56 triệu em bé được sinh ra, thấp hơn rất nhiều so với mức 16,4 triệu vào năm 2012, theo cơ quan thống kê nhà nước.

ty le sinh anh 1

Nhà nhân khẩu học Huang đề xuất trả thù lao hàng tháng cho các phụ huynh. Ảnh: The Paper.

Nhà nhân khẩu học Huang Wenzheng, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa (CCG), cho biết tỷ lệ sinh thấp bắt nguồn từ việc thiếu các chính sách và phần thưởng khuyến khích người dân sinh đẻ.

“Chúng ta nên coi việc sinh con và nuôi dạy chúng là một loại công việc. Mọi người đều đi làm công ăn lương ở bất kỳ ngành nghề nào, cho dù ngành sản xuất hay dịch vụ. Trong khi đó, họ không nhận được bất kỳ lợi ích tài chính nào khi sinh nở và nuôi con. Và khi mọi người nhận ra điều này, họ càng ít quan tâm đến chuyện sinh em bé”, ông nói với Jimu News.

Nhà nhân khẩu học cho biết mặc dù việc sinh sản của con người có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, xã hội nói chung lại không công nhận giá trị kinh tế của việc nuôi dạy một đứa trẻ.

“Đối với bất kỳ xã hội nào, việc hạ sinh một đứa trẻ có ý nghĩa hơn là làm một công việc mà AI hoàn toàn có thể thay thế. Do đó, con người nên được trả lương khi sinh đẻ”, ông Huang nói.

Tuy nhiên, chuyên gia không đề cập rằng ai sẽ trả thù lao hoặc một cặp vợ chồng sẽ được hưởng “mức lương tháng” đó trong bao lâu.

ty le sinh anh 2

"Hình phạt làm mẹ" là một trong số những nguyên nhân kìm hãm tỷ lệ sinh ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters.

Feng Yuan, người đồng sáng lập tổ chức bình đẳng và quyền phụ nữ Bình đẳng Bắc Kinh, cho biết đề xuất trả lương cho phụ huynh sẽ không giải quyết được vấn đề “hình phạt làm mẹ” đang tồn tại ở Trung Quốc.

“Hình phạt làm mẹ” đề cập đến những tác động tiêu cực đối với phụ nữ sau khi sinh con ở nơi làm việc và một số lĩnh vực khác.

“Chúng ta cũng nên giải quyết những vấn đề khác nữa. Chẳng hạn, chúng ta nên để đàn ông và phụ nữ cùng chia sẻ trách nhiệm gia đình; cung cấp thêm trường mẫu giáo với giá cả phải chăng; xây dựng xã hội đối xử bình đẳng với phụ nữ; tạo điều kiện tiếp cận giáo dục công bằng và chất lượng; và nhà ở giá rẻ”, Feng nói với SCMP.

Đề xuất về mức lương tháng dành cho phụ huynh nhanh chóng trở thành xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi được các hãng tin trong nước đưa tin.

Một số ý kiến đồng tình với đề xuất này, cho rằng chăm con còn mệt hơn đi làm. Hơn nữa, các bậc phụ huynh không có ngày nghỉ dành cho việc nuôi dạy con cái.

Một số khác tỏ ra e ngại, sợ rằng chính quyền sẽ thay đổi ý định và dừng trả lương ngay khi nhiều người trẻ hưởng ứng đề xuất.

Theo SCMP, chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con trong những năm gần đây.

Tại Bắc Kinh, những người phụ nữ sinh con thứ 2 sẽ nhận được khoản “trợ cấp sinh đẻ” trị giá 10.000 NDT (1.500 USD). Các cặp vợ chồng cũng sẽ nhận được khoản “trợ cấp giáo dục” trị giá 1.000 NDT hàng năm kể từ khi đứa trẻ chào đời cho đến khi chúng hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm.

Đối với những cặp sinh con thứ 3, chính quyền thành phố sẽ trả cho họ 180.000 NDT (26.000 USD) theo hình thức trả dần trong vài năm.

Ngày 15/5, chính quyền tỉnh Quảng Đông kêu gọi các công ty, doanh nghiệp địa phương tạo ra các vị trí công việc có thời gian làm việc linh hoạt dành cho phụ nữ có con dưới 12 tuổi.