Trong vụ án ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu giám đốc BV Tim Hà Nội), người ta nhìn thấy ở đó phảng phất tính chất dám nghĩ, dám làm của một nhân sĩ trí thức.
Tiếc thay, đây lại không phải là ví dụ đủ đầy về tinh thần dám nghĩ, dám làm mà gần đây chúng ta hay bàn tới.
Ông Tuấn có tội hay không, bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội vừa tuyên hôm qua (xử phạt ông ba năm tù, thấp hơn mức đề nghị của VKS 4-5 năm tù) cơ bản đã là câu trả lời. Chúng ta tin rằng tòa án đã vận dụng tối đa các quy định pháp luật để đưa ra bản án đúng người, đúng tội, thấu lý đạt tình.
Phán quyết này được ban hành dựa trên bản lĩnh nghề nghiệp, tư duy kinh nghiệm cũng như tinh thần phụng công, thủ pháp, không bị định hướng bởi dư luận. Nó là kết quả của sự làm việc chỉn chu, nghiêm túc nên phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân về trừng trị cái sai. Tuy nhiên, cái sai này cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh vì lợi ích chung của cộng đồng, của toàn xã hội.
Nếu vì vướng mắc pháp luật mà không thể mua đầy đủ trang thiết bị để cứu người thập tử nhất sinh thì sự xé rào của ông Tuấn được xem là cần thiết. Lúc này đây sự xé rào cần được hoan nghênh, nhân rộng để đi tới cái đích cuối cùng là loại bỏ các bất cập trong quy định pháp luật. Trong bối cảnh đó, gấp rút sửa đổi các quy định cứng nhắc của pháp luật đấu thầu là điều cần phải làm ngay nhằm bảo đảm tính khả thi, kịp thời trong công tác khám chữa bệnh, cứu người.
Dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung rất cần được hoan nghênh và nhân rộng. Vì lẽ đó, người dám nghĩ, dám làm cần được bảo vệ nhưng với điều kiện tiên quyết là họ hoàn toàn miễn nhiễm với thói vụ lợi, tư túi.
Nếu chỉ dừng ở đây thì câu chuyện vi phạm đấu thầu sẽ không có gì đáng để lên án; bởi ai có bản lĩnh, có lòng nhân ái, nếu ở vào vị trí của ông Tuấn đều sẽ làm như thế. Mệnh lệnh từ trái tim có những lý lẽ riêng mà đôi khi luật pháp không thể nào cương tỏa. Là một bác sĩ hàng đầu về tim mạch, lại là một người đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ tài năng, lời thề Hippocrates như một ngọn lửa thúc giục ông phải hành động ngay cả khi chưa tuân thủ đúng quy trình pháp luật. Những điều này hoàn toàn có thể biện minh.
Ấy thế nhưng, chỉ vì những chiếc phong bì theo phương châm lại quả mà hình ảnh tươi đẹp của một người dám nghĩ, dám làm đã bị méo mó, biến dạng.
Không biết từ bao giờ câu chuyện phong bì, bánh ít đi, bánh quy lại đã trở thành thông lệ. Nhiều người cho rằng ở chức vụ như vậy với việc làm như vậy thì quà biếu, phong bì là chuyện đương nhiên. Khi ký hợp đồng đấu thầu, ông Tuấn không hứa hẹn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Do đó, khi công việc được thực hiện trơn tru, doanh nghiệp tặng quà thì cũng không có gì khuất tất.
Nhưng thật đáng tiếc, chính vì chiếc phong bì này mà việc ông Tuấn dám nghĩ, dám làm để cứu người đã không còn thuần khiết. Không ít người quy kết rằng ông Tuấn có động cơ vụ lợi, vì nếu không như vậy thì ông đã không nhận phong bì. Nói cách khác, họ không tin hành động xé rào của ông chỉ hoàn toàn vì động cơ cứu người, hoàn toàn trong sáng. Thế mới biết, khi đã có hành vi hay chí ít là ý định vụ lợi thì câu chuyện dám nghĩ, dám làm chỉ trở thành một tấm vải thưa, khó lòng che được mắt xã hội.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có một câu nói rất nổi tiếng với bà Ba Thi: “Chị cứ làm đi, miễn là không tư túi. Nếu có đi tù, tôi đưa cơm”. Câu nói được đưa ra ở thời kỳ xé rào - thời kỳ cơ chế không chỉ trói buộc cán bộ mà trói buộc nhiều nguồn lực trong xã hội.
Dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung rất cần được hoan nghênh và nhân rộng. Vì lẽ đó, người dám nghĩ, dám làm cần được bảo vệ nhưng với điều kiện tiên quyết là họ hoàn toàn miễn nhiễm với thói vụ lợi, tư túi. Ngược lại, vì vụ lợi mà làm thì nhân bản tốt đẹp đã không còn trọn vẹn nữa. Lúc này đây, người ta sẽ gọi là “bất chấp để làm” chứ không còn là dám nghĩ, dám làm.
TS CAO VŨ MINH