Tương tác hiếm gặp ở cơn bão tăng cấp nhanh bậc nhất lịch sử

Các nhà dự báo bão cho hay, bão Helene dự kiến trải qua tương tác Fujiwhara (2 cơn bão gần nhau và hút nhau) với một áp thấp ở khu vực trung - nam Mỹ.

tuong-tac-hiem-gap-o-con-bao-tang-cap-nhanh-bac-nhat-lich-su-anh1-1727341952.jpg

Dự báo bão Helene đổ bộ Mỹ với sức gió tới 210 km/h trong ngày 26.9. Ảnh: Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ

Bão Helene dự kiến đổ bộ Mỹ trong ngày 26.9 ở cường độ bão cấp 4 với sức gió lên tới 210 km/h, theo tin bão mới nhất của USA Today.

Bão Helene được dự báo là một trong những cơn bão "hung hăng" và tăng cấp nhanh bậc nhất trong lịch sử. Việc Helene tăng cấp thần tốc từ một áp thấp nhiệt đới với khả năng mạnh lên thành bão nhiệt đới lên thành bão cuồng phong cấp 3 trong ngày 24.9 là diễn biến nhanh chưa từng có với một hệ thống do Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ dự báo, theo USA Today.

"Họ chưa bao giờ dự báo một cơn bão lớn trong vòng 60 giờ với một hệ thống áp thấp dưới mức bão nhiệt đới. Toàn bộ dự báo về cơ bản cũng nhanh hơn bất kỳ dự báo nào trong 36 tới 48 giờ với một áp thấp nhiệt đới" - Sam Lillo, nhà khí tượng học, kỹ sư Phần mềm của DTN Weather, cho hay.

Dự báo, bão Helene sẽ gây mưa lớn khi đổ bộ đất liền Mỹ do hiệu ứng Fujiwhara, theo USA Today. Hiệu ứng Fujiwhara - mô tả 2 cơn bão gần nhau hút nhau - được xem là "vũ điệu" tinh tế nhất của khí tượng học.

Các mô hình dự báo bão cho thấy, khi bão Helene di chuyển qua Florida vào khu vực đông nam nước Mỹ, "bão sẽ trải qua tương tác Fujiwhara với rãnh áp thấp phía trên Ozarks" - cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ tại Shreveport, Louisiana, thông tin.

"Về cơ bản, điều này có nghĩa là tàn dư của bão Helene sau khi đổ bộ Mỹ sẽ di chuyển gần rãnh áp thấp ở Ozarks. Tàn dư của cơn bão sẽ lưu chuyển quanh rãnh áp thấp trước khi bị rãnh áp thấp hấp thụ tạo thành một rãnh khép kín lớn hơn" - cơ quan thời tiết nêu rõ.

"Hiện tượng này cực kỳ hiếm xảy ra ở vĩ độ này" - nhà khí tượng học James Bryant của KATV lưu ý.

Các nhà dự báo thời tiết cho biết, tương tác Fujiwhara giữa bão Helene và rãnh áp thấp ở Ozarks sẽ tạo ra mưa lớn, với khả năng gây ngập lụt ở một số khu vực của trung - nam Mỹ và Ohio trong vài ngày tới.

Hiệu ứng Fujiwhara xảy ra khi 2 cơn bão di chuyển đủ gần nhau để tạo thành một "vũ điệu" dữ dội xung quanh một tâm điểm chung. Các chuyên gia cho hay, hiệu ứng này xảy ra khi các cơn bão cách nhau khoảng 1.500km.

Hiện tượng bão đôi này do nhà khí tượng học người Nhật Bản Sakuhei Fujiwhara xác nhận đầu tiên sau khi quan sát 2 cơn bão tương tác ở Thái Bình Dương năm 2021.

Hiệu ứng Fujiwhara có thể khiến việc dự báo bão trở nên khó khăn hơn. Thông thường, trong dự báo thời tiết, dự báo địa điểm một cơn bão đổ bộ là điều khó. Tuy nhiên, tương tác Fujiwhara có thể khiến quá trình này trở nên khó khăn hơn.

Vấn đề là xác định vùng bão, hoặc áp thấp thứ cấp sẽ mạnh đến mức nào. Nếu áp thấp mạnh hơn thì sẽ đẩy đường đi của bão Helene đến gần hơn với dải đất hẹp Florida.

Nếu áp thấp yếu hơn thì bão Helene có thể tạo ra nhiều tác động hơn dọc theo khu vực Big Bend của Florida. Các nhà dự báo bão sẽ thấy những chi tiết này rõ ràng hơn trong 24-36 giờ tới.