Vì sao giới thượng lưu Trung Quốc ngày càng giàu

Bất chấp những khó khăn còn tồn tại sau đại dịch, giới nhà giàu ở đất nước tỷ dân vẫn tích trữ được nhiều tài sản. Số gia đình có hơn 100 triệu nhân dân tệ đã lên tới 82.000 hộ.

Tầng lớp thượng lưu ở xứ Trung trở nên giàu hơn từ bất động sản, chứng khoán và một số hạng mục đầu tư khác. Ảnh: SCMP.

Số lượng các gia đình giàu có ở Trung Quốc và tổng tài sản của họ tiếp tục tăng bất chấp đại dịch Covid-19 cùng những bất ổn về kinh tế, chính trị.

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hurun công bố hôm 17/3, khoảng 5,2 triệu hộ dân có tổng tài sản từ 6 triệu nhân dân tệ (900.000 USD) trở lên tính đến tháng 1/2022, nhỉnh hơn 2,1% so với năm trước và 2,5% cùng kỳ năm ngoái, lên 164 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Thống kê này được dựa trên dữ liệu từ năm 2021, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan. Vào năm 2022, thị trường bất động sản và chứng khoán của quốc gia đông dân nhất thế giới đã trải qua một đợt suy thoái.

Tuy vậy, số lượng các gia đình siêu giàu hoặc những nhà có tổng tài sản 100 triệu nhân dân tệ, đã nâng lên 3,5%, tương đương 4.600/138.000 hộ.

Các tiêu chí được xét đến bao gồm những danh mục có thể đầu tư như cổ phiếu, quỹ, tiền mặt, bất động sản, cũng như nơi ở của họ và doanh nghiệp tư nhân, theo Barrons.

Chỉ tính riêng điều kiện này, số hộ có hơn 100 triệu nhân dân tệ đã lên tới 82.000.

Rupert Hoogewerf, chủ tịch và trưởng nhóm nghiên cứu Hurun Report, cho biết lý do chính cho sự tăng trưởng của cải “là nhờ bất động sản, đặc biệt ở các thành phố hạng nhất”. Mặt khác, thị trường chứng khoán cũng đã thúc đẩy xu hướng này.

Gioi nha giau Trung Quoc anh 1

Tổng tài sản của tầng lớp giàu có ngày càng tăng dù những vấn đề bất ổn về kinh tế, chính trị vẫn đang tồn tại. Ảnh: China Daily.

Tuy nhiên, năm 2021 là một năm đầy thách thức đối với giới nhà giàu Trung Quốc, chủ yếu là do sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo được xuất bản với sự hợp tác của Yicai, một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Thanh Đảo, tốc độ của cải phi mã là một dấu hiệu cho thấy “sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu bảo toàn và đánh giá cao tài sản của họ”.

Tầng lớp thượng lưu tại đất nước tỷ dân thường tập trung ở các đô thị lớn và ven biển, trong đó top 30 thành phố lớn nhất chiếm 68%.

Bắc Kinh dẫn đầu với 20.400 gia đình có ít nhất 100 triệu nhân dân tệ, tiếp theo là Thượng Hải với 17.500 hộ dân. Thâm Quyến và Quảng Châu lần lượt xếp thứ ba và thứ tư với 5.990 và 4.690.

Các hộ giàu có ở Trung Quốc sẽ chuyển khoảng 18.000 tỷ nhân dân tệ tài sản cho thế hệ tiếp theo trong thập kỷ tới. Con số này dự kiến tăng lên 92.000 tỷ nhân dân tệ trong 3 thập kỷ.

Theo CNBC, một báo cáo của công ty McKinsey & Company còn chỉ ra rằng những người Trung Quốc có tài chính dư dả đang chi tiêu nhiều hơn trong năm nay. Nhưng nếu so sánh với nhóm có mức thu nhập thấp, phải “thắt lưng buộc bụng” thì cảnh tượng hoàn toàn ngược lại.

“Nhóm người giàu có tự tin hơn về tài sản cá nhân và triển vọng tương lai của mình”, đại diện của McKinsey cho biết.

Tuy nhiên, số lượng gia đình giàu có ở Hong Kong lại tụt dốc 5,4% xuống còn 211.000, mức giảm lớn nhất so với bất kỳ khu vực nào ở Trung Quốc. Xứ Cảng Thơm đã phải hứng chịu cuộc di cư tài năng giữa hàng loạt quy định của Covid-19 trong những năm gần đây.

Nhân sự thời Gen Z

Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.